Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế hay khuyến khích?

Lâm Vũ| 08/08/2011 06:51

(HNM) - Hôn nhân xuyên biên giới là xu hướng tất yếu trong cuộc sống hiện đại và là mối quan hệ được pháp luật Việt Nam bảo hộ, tuy nhiên nó cũng đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khá nhạy cảm.


Bi kịch từ ảo tưởng

Ths Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Gia đình và Giới cho biết, hôn nhân xuyên biên giới gây ra không ít bi kịch. Trên thực tế, hàng ngàn thiếu nữ Việt Nam bị hấp dẫn bởi những lời giới thiệu về đời sống khá giả của người chồng tương lai. Dù mù mờ không biết "Đài Loan, Hàn Quốc ở đâu" nhưng họ vẫn hy vọng lấy chồng ngoại có thể đổi đời. Họ chỉ hiểu đơn giản rằng, cứ bước chân qua biên giới là sẽ lấy được chồng giàu, có cuộc sống thanh nhàn, hạnh phúc. Họ không biết các thông tin về nơi đến và không hiểu những khó khăn, nguy hiểm sẽ phải đương đầu. Vì thế, khi đối mặt với thực tại về nghề nghiệp và gia cảnh của chú rể, tâm trạng của không ít cô dâu chuyển từ háo hức sang chán nản tột cùng.


Những cặp cô dâu Việt, chú rể Hàn.

Một cô dâu ở Đại Hợp, Hải Phòng vừa ly hôn sau 25 ngày cưới cho biết: "Vừa sang hôm trước, hôm sau tôi đã phải đi mua đồ, mua quần áo lao động để đi làm ngay. Chồng tôi thực chất không phải là nhân viên kỹ thuật mà chỉ là người lười lao động, mải mê cờ bạc, không hề quan tâm tới tôi….". Cho dù không phải tất cả phụ nữ Việt đi làm dâu xứ người đều bất hạnh, nghèo khổ nhưng vẫn có một bộ phận phải đối mặt với những bi kịch như hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế của người chồng, dễ dàng bị chồng dùng bạo lực khi gia đình có trục trặc; hoặc bị cô lập trong xã hội, đối mặt với những thành kiến, ác cảm…

Các cô dâu Việt cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và định kiến, thậm chí ở một số nơi họ còn bị gọi là "kẻ đào mỏ". Bị coi thường vì xuất thân nghèo, thậm chí họ còn bị ngay cả người chồng, những người cũng có thu nhập thấp coi như một món đồ mua về… Các cô dâu Việt Nam khi đi làm còn bị phân biệt trong việc trả lương, ví dụ, làm cùng một công việc, họ chỉ được trả 200 USD/tháng, trong khi các công nhân khác được trả 700 USD/tháng.

Một số ít các cô dâu bị những kẻ môi giới lừa đảo. Không chỉ nói dối về thân thế giàu có, những người môi giới còn tìm cách đánh lừa các cô dâu về sức khỏe thể chất và tâm thần của các chú rể. Có những trường hợp tráo đổi chú rể, đi hỏi thì lành lặn, nhưng khi ở thì tật nguyền. Bên cạnh đó, nhiều người trở thành nạn nhân của bọn buôn bán phụ nữ ẩn dưới hình thức dịch vụ tư vấn hôn nhân. Nhiều kẻ buôn người đã lợi dụng các văn phòng tư vấn hôn nhân và du lịch để tổ chức những đường dây kết hôn trá hình đưa phụ nữ ra nước ngoài bán vào các quán bar, nhà chứa.

Các cô dâu Việt cũng phải chịu thiệt thòi trong vấn đề nhập quốc tịch. Số người được nhập quốc tịch nước ngoài hiện nay khá khiêm tốn. Không có quốc tịch, họ ít có cơ hội được tiếp cận bình đẳng phúc lợi xã hội, cơ hội nghề nghiệp, lao động, nhà cửa và các dịch vụ xã hội. Ngoài những lý do mang tính "chính sách" thì nguyên nhân chính khiến cho số cô dâu Việt được nhập quốc tịch ít là thủ tục phức tạp và chặt chẽ, ví như, muốn trở thành công dân Hàn Quốc thì họ phải vượt qua kỳ thi vấn đáp về lịch sử nước này.

Quản lý "nổi" để loại bỏ hoạt động "ngầm"

Theo Ths Nguyễn Thị Thanh Tâm, để góp phần giảm thiểu những hậu quả tiêu cực của hôn nhân xuyên biên giới, các cô dâu Việt, trước khi làm các thủ tục đăng ký kết hôn cần được chính phủ các nước cung cấp lý lịch tư pháp, gồm lịch sử nhân cách, tính cách của người chồng tương lai. Họ cũng nên được tư vấn đầy đủ về quyền công dân của các nước họ đến sinh sống và được cảnh báo về những hậu quả tiêu cực có thể đe dọa đến cuộc sống và sinh mạng.

Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước nên cho phép thành lập các công ty môi giới hôn nhân nhằm giảm dần tiến tới loại bỏ các giao dịch ngầm như hiện nay. Bằng cách này, các cơ quan được giao nhiệm vụ mới có thể quản lý hoạt động của các công ty môi giới. Các công ty cung cấp thông tin sai sự thật về thân thế của chú rể, khi bị phát hiện sẽ chịu phạt hành chính và tước giấy phép kinh doanh.

Muốn hôn nhân xuyên biên giới tránh được những hệ lụy không mong muốn, ngoài việc "chăm lo" cho cô dâu, việc chú rể nước ngoài hiểu văn hóa, cuộc sống, con người Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Làm cho họ hiểu rằng, việc có được vốn kiến thức về những điều liên quan đến người vợ tương lai hay có khả năng nói tiếng Việt cho dù là ở mức độ tối thiểu sẽ tăng cường sự cảm thông, chia sẻ và làm cho tình cảm trở nên tốt đẹp hơn, gia đình bền vững hơn là một trong những giải pháp mà các nhà nghiên cứu về vấn đề này cho rằng cần phải được triển khai trong tương lai.

Theo thông báo của Cục Thống kê Hàn Quốc tính đến cuối năm 2010, tại Hàn Quốc đã có trên 50.000 cô dâu Việt. Thông tin do ông Gow Wei Chiou, Trưởng phòng lãnh sự Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội cung cấp thì số cô dâu Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) đã là khoảng 120.000 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế hay khuyến khích?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.