Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế gian lận trong kinh doanh nữ trang

Ánh Tuyết| 07/06/2014 07:06

(HNM) - Bắt đầu từ tháng 6-2014, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 22 của Bộ KH&CN, như công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng.


Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng nữ trang, đồng thời ra điều kiện nghiêm ngặt cho các đơn vị kinh doanh mặt hàng này. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TĐC), Bộ KH&CN về vấn đề này.

Vàng nữ trang sẽ được áp dụng tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng. Ảnh: Như Ý



- Ông có thể cho biết một số vấn đề liên quan tới Thông tư 22 như cơ quan nào làm trọng tài để giám sát việc thực hiện kiểm tra tuổi vàng, phương thức kiểm tra tuổi vàng, việc đối chiếu, kiểm định được thực hiện như thế nào?


- Việc thử nghiệm xác định hàm lượng vàng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra sẽ do tổ chức thử nghiệm được TĐC chỉ định thực hiện. Danh sách các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của TĐC tại địa chỉ www.tcvn.gov.vn. Thông tư 22 đã quy định các phương pháp thử nghiệm: Không phá hủy mẫu, phá hủy mẫu. Đây là những phương pháp trọng tài để thực hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc sử dụng phương pháp phá hủy mẫu chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên gồm cơ quan thanh tra, kiểm tra và tổ chức, cá nhân. Khi cần đối chiếu, xác định, có thể sử dụng các tổ chức thử nghiệm vàng đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, có trang thiết bị đầy đủ, có năng lực thử nghiệm được chất lượng vàng. Bên cạnh đó, nếu cơ sở dùng cân để xác định khối lượng vàng hoặc hàm lượng vàng trong mua bán thì cần phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư 22.

- Hiện nay, vàng được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên các cơ sở kinh doanh vàng khó đáp ứng theo quy định của Thông tư 22 về sai số chỉ 0,1-0,3% tùy theo tuổi vàng, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Trong quá trình xây dựng thông tư, giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng đã được tham khảo của một số quốc gia có những quy định tương đồng. Thông tư cũng đã được lấy ý kiến của Hiệp hội Kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia kỹ thuật xây dựng các tiêu chuẩn vàng và các bên liên quan. Đa số đều thống nhất quy định giới hạn sai số này, thậm chí có khá nhiều đơn vị đề nghị phải quy định giới hạn sai số nhỏ hơn nữa. Điều này sẽ hạn chế tối đa sự gian lận trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

- Những sai phạm về khối lượng, tuổi vàng, nhãn mác sản phẩm sẽ có mức xử phạt như thế nào, thưa ông?

- Việc xử phạt vi phạm về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể được quy định trong nghị định nói trên. Doanh nghiệp vi phạm hành chính nếu đã xử phạt mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Nhiều chủ cơ sở chế tác và kinh doanh vàng nhỏ lẻ cho rằng, thông tư nói trên sẽ làm khó họ. Quan điểm của Tổng cục về vấn đề này như thế nào?

- Phải nói rõ các nội dung quy định về quản lý chất lượng tại Thông tư 22 thực chất đã được quy định tại Nghị định số 24 được ban hành tháng 4-2012, có hiệu lực từ 25-5-2012 và cụ thể hóa các yêu cầu tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Thông tư 22 không quy định thêm bất kỳ một thủ tục hành chính nào cho doanh nghiệp mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch chất lượng, khối lượng vàng trang sức, mỹ nghệ mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Mặt khác, yêu cầu quản lý chất lượng về việc đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng lên sản phẩm và phải thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đã được quy định tại Nghị định 24, tức là đã có hiệu lực từ giữa năm 2012. Thông tư 22 được ban hành từ tháng 9-2013 chỉ hướng dẫn cụ thể hơn cách thức thực hiện và đến tháng 6-2014 mới có hiệu lực thi hành, như vậy đã có 8 tháng để doanh nghiệp chuẩn bị.

Ngay sau khi Thông tư 22 được ban hành, bên cạnh một số doanh nghiệp có uy tín, chủ động thực thi các quy định tại Thông tư 22 thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, thụ động. Điều này sẽ gây cản trở khả năng cạnh tranh của những sản phẩm có hàm lượng vàng được công bố chính xác với các sản phẩm vàng có chất lượng không như công bố.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế gian lận trong kinh doanh nữ trang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.