(HNM) - Trong những ngày đầu năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Philippines, khởi đầu chuyến công du kéo dài 6 ngày qua 4 quốc gia, gồm Australia, Indonesia và Việt Nam.
Sự đặc biệt của chuyến công du này không chỉ nằm ở thời điểm thềm năm mới mà còn ở chỗ ông S.Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Điều này cho thấy mong muốn của Tokyo trong việc củng cố quan hệ đồng minh với Manila.
Xích lại gần nhau là điều cả lãnh đạo Nhật Bản và Philippines đang hướng tới. |
Trong buổi chiêu đãi ngày 12-1, Tổng thống R.Duterte đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ gắn kết giữa Philippines với Nhật Bản luôn được xem là ưu tiên hàng đầu, thậm chí coi Nhật Bản “là một người bạn thân thiết hơn cả anh em”. Trong bối cảnh Philippines đang có xu hướng chuyển trục quan hệ quốc tế, việc Nhật Bản có những động thái nhằm "hâm nóng" mối liên kết với đồng minh lâu năm bằng những cử chỉ thân thiện là hoàn toàn hợp lý. Một ví dụ điển hình là trong khi Tổng thống R.Duterte liên tục chịu chỉ trích từ Mỹ và EU trong cuộc chiến chống ma túy thì Tokyo lại luôn “né” đề cập tới câu chuyện nhạy cảm này, đồng thời bày tỏ mong muốn giúp đỡ Philippines thực hiện quyết tâm đó theo những cách mềm mỏng hơn. Cụ thể, ông S.Abe cho biết Nhật Bản cam kết lập các chương trình cai nghiện và trung tâm điều trị tại Philippines.
Bên cạnh đó, mục tiêu khẳng định vai trò đối tác thương mại và viện trợ hàng đầu của Đông Nam Á cũng là điều mà Chính phủ đất nước Mặt trời mọc đang rất quan tâm. Ngay trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết cung cấp vốn vay ưu đãi ODA và các khoản đầu tư khác trị giá 1.000 tỷ yên (tương đương 8,7 tỷ USD) cho Philippines trong vòng 5 năm, chủ yếu đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và lĩnh vực tư nhân. Thủ tướng S.Abe và Tổng thống R.Duterte cũng đạt được thỏa thuận thành lập một ủy ban chuyên trách hợp tác kinh tế nhằm giúp Manila phát triển hạ tầng, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Tokyo trong công cuộc phát triển của Philippines. Hiện nay, Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia đầu tư lớn vào đảo quốc Đông Nam Á này, phần lớn là trong lĩnh vực điện tử, dịch vụ tài chính, sản xuất xe hơi... Ngoài các lợi ích về kinh tế, những nỗ lực này cũng sẽ phần nào giúp ổn định tình hình chính trị - xã hội trong những năm đầu cầm quyền của Tổng thống R.Duterte.
Tiếp đó, về vấn đề an ninh hàng hải, hai nhà lãnh đạo cũng đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận liên quan tới quốc phòng, trong đó có khoản viện trợ 5 triệu USD cho Philippines mua tàu tuần duyên và các khí tài giúp chống khủng bố ngay trong buổi gặp ngày 12-1. Trong bối cảnh trang bị của quân đội và tuần duyên Philippines hiện đã lỗi thời, không ngạc nhiên khi ông R.Duterte tuyên bố sẽ coi những khí tài mà Tokyo cung cấp là “tài sản chủ chốt” của quốc gia. Trước đó, nhà lãnh đạo Philippines từng bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ sớm cho mượn các máy bay huấn luyện và 10 tàu tuần duyên theo cam kết với chính phủ tiền nhiệm của ông Benigno Aquino. Về phần mình, Tokyo đã đồng ý cho Manila thuê 5 chiếc phi cơ quân sự TC-90 để sử dụng vào công tác tuần tra trên Biển Đông, đồng thời cho mượn thêm 2 tàu tuần tra cỡ lớn.
Bằng những cam kết thực chất trên nhiều lĩnh vực, chuyến đi của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đã thể hiện cách tiếp cận giàu tính thực tế trong việc củng cố quan hệ với đồng minh Philippines - một chiến lược mà Tokyo luôn theo đuổi trong bối cảnh quốc tế và khu vực đã và đang có nhiều biến động phức tạp. Ngay từ chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 10-2016, Tổng thống R.Duterte từng thống nhất với Thủ tướng S.Abe về việc hợp tác thúc đẩy hòa bình và sự ổn định của khu vực. Như thế, có thể thấy rõ rằng việc hai đồng minh đều hướng tới việc phát triển quan hệ song phương theo chiều hướng tích cực sẽ đóng góp hiệu quả cho mục tiêu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.