(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến công du hai ngày tới Nga trong sứ mệnh ngoại giao đặc biệt để
Khác với dự đoán của giới bình luận quốc tế cho rằng ông Kerry khó có thể hoàn thành nhiệm vụ vô cùng nhạy cảm là xoa dịu những bất đồng đang có chiều hướng ngày một gia tăng giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại điện Kremlin cách đây một năm. Với những gì hai bên thể hiện và công bố, có thể nhận thấy chuyến đi của nhà ngoại giao 70 tuổi đã đạt được những mục tiêu nhất định trong nỗ lực thực hiện lộ trình tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ từ cách đây gần 4 năm.
Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry (trái) và người đồng cấp Nga S.Lavrov tại Mátxcơva. |
Danh sách những chủ đề Ngoại trưởng Kerry đã bàn thảo với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin khá phong phú từ vụ khủng bố ở Boston, vấn đề giải trừ quân bị, chương trình hạt nhân Iran, Bán đảo Triều Tiên, lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu, cuộc chiến "danh sách đen" khi cả hai trục xuất công dân của nhau... Tuy nhiên, có lẽ kết quả tích cực về hồ sơ Syria là điểm nhấn đáng chú ý nhất của cuộc gặp tại Mátxcơva lần này. Từ chỗ bất đồng gay gắt, Nga và Mỹ đã nhất trí hối thúc hai phe tại Syria tìm cách chấm dứt tình trạng đổ máu, đồng thời đưa ra sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm hòa bình. Mục tiêu chính của hội nghị là thuyết phục chính phủ và phe đối lập Syria cùng nhau thực thi đầy đủ Tuyên bố chung Geneve về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Hay nói cách khác, đây là kế hoạch mà người dân Syria có thể xây dựng một nhà nước mới không có đổ máu và tàn sát.
Từ trước tới nay, Mátxcơva luôn giữ vững quan điểm cho rằng, phương Tây cố tình trầm trọng hóa cuộc xung đột Syria khi tìm cách lật đổ chế độ Tổng thống Bashar Al-Assad. Đổi lại, Mỹ và một số quốc gia phương Tây chỉ trích Nga đã không tận dụng ảnh hưởng đối với Damascus nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực mà trái lại còn tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội của Tổng thống Assad. Vì thế, sự đồng thuận vừa đạt được giữa Nga - Mỹ sẽ góp phần giúp người dân Syria nhanh chóng thoát khỏi cuộc nội chiến đẫm máu đã khiến hơn 80.000 người thiệt mạng.
Xét một cách tổng thể, cả Nga và Mỹ đều có những lý do để tạm gác lại những mâu thuẫn, nhất là khi hai bên đang có những tính toán riêng trước sự nổi lên của một số quốc gia được cho là sẽ trở thành đối thủ tiềm tàng trên bàn cờ các nước lớn. Thực tế, Washington cần tập trung để giải quyết những vấn đề "nóng", từ Iran, Syria đến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Đó là chưa kể còn những tồn tại chưa được giải quyết như Afghanistan, Iraq và tình hình kinh tế khó khăn trong nước. Việc hâm nóng quan hệ với một nước giữ vai trò quan trọng trên trường quốc tế như Nga trong thời điểm hiện nay vừa có thể tranh thủ sự ủng hộ của Mátxcơva, vừa giúp Mỹ giảm bớt "áp lực" từ một số vấn đề cấp bách đang chồng chất. Còn Nga, với mục tiêu tạo thế cân bằng chiến lược vững chắc trong thế giới đa cực, Mátxcơva đang theo đuổi đường lối ngoại giao độc lập, đặt trọng tâm hiện đại hóa quốc phòng, đồng thời cần thúc đẩy quan hệ kinh tế. Vì thế, việc tranh thủ mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xứ sở Bạch dương.
Rõ ràng, giữa Nga và Mỹ đang đứng trước nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ song phương. Dù còn tồn đọng rất nhiều trở ngại, song những động thái thiện chí được cả hai bên thể hiện trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry sẽ là bước khởi động tích cực cho cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga V.Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8) ở Bắc Ireland vào tháng 6 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.