(HNM) - Hôm nay (19-1), đúng 1 tuần sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Haiti khiến quốc gia nghèo đói này lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Ở thủ đô Poóctô Pranhxơ, cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có, xác chết vẫn còn ngổn ngang trên đường phố và bắt đầu phân hủy, đe dọa gây thảm họa về môi trường.
(HNM) - * Đã xác định hơn 70.000 người thiệt mạng
* Hội nghị khẩn cấp các nhà tài trợ diễn ra tại Canađa
* Ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô Poóctô Pranhxơ
Hôm nay (19-1), đúng 1 tuần sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Haiti khiến quốc gia nghèo đói này lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Ở thủ đô Poóctô Pranhxơ, cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có, xác chết vẫn còn ngổn ngang trên đường phố và bắt đầu phân hủy, đe dọa gây thảm họa về môi trường.
Trong khi đó, người sống sót tuyệt vọng kêu cứu, van xin, tranh cướp thực phẩm, nước uống, thuốc men. Nạn nhân chết dần mòn trong bệnh viện vì không đủ phương tiện cấp cứu. Các bác sĩ quốc tế tại Haiti cho hay, trong vòng 24 giờ tới, nếu không có đủ y cụ, thuốc men để điều trị, 30% trong số họ sẽ mất mạng...
Những người may mắn thoát chết trong trận động đất lại phải vất vả kiếm sống trong đống đổ nát tại một cửa hàng ở Poóctô Pranhxơ. |
Theo số liệu sơ bộ, động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người (con số này có thể lên đến 200.000 người) trong đó có hơn 40 nhân viên gìn giữ hòa bình và nhiều nhân viên dân sự của Liên hợp quốc (LHQ), nửa thành phố nằm trong cảnh đổ nát, gần 3 triệu người mất nhà ở và phương tiện sinh sống. Trước mắt là những nguy cơ mới: những người sống sót có thể bị chết do thiếu lương thực, nước uống, do bệnh dịch và do tội phạm hoành hành.
Hàng trăm ngàn người dân Haiti đói khát đang tuyệt vọng chờ đợi để được giúp đỡ. Nhưng việc điều vận khó khăn do hệ thống đường sá bị phá hủy nghiêm trọng, hoạt động chăm sóc nạn nhân, đang tạm trú trong các khu lều tạm trên đường phố đầy mảnh vỡ và xác người đang phân hủy. Nạn cướp bóc hoành hành và nhiều nơi, người dân đã xung đột với những nhân viên phân phát đồ cứu trợ. Nhiều người Haiti đang tìm cách ra khỏi thành phố với hy vọng kiếm được thức ăn, nơi trú ẩn, tránh những cơn dư chấn và bạo lực. Sân bay chính của thủ đô cũng chật cứng người với hy vọng sẽ đáp được chuyến bay rời Poóctô Pranhxơ. Trên đường phố, cảnh sát phải dùng đạn hơi cay để giải tán các đám đông đã trở nên bấn loạn do thiếu lương thực và nước uống.
Trước tình trạng hỗn loạn gia tăng, ngày 17-1, cảnh sát Haiti và Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Haiti (MINUSTAH) đã ra lệnh giới nghiêm, bắt đầu từ 6 giờ chiều (giờ địa phương) tại thủ đô Poóctô Pranhxơ. Toàn bộ phương tiện giao thông không được phép lưu thông trên đường phố, ngoại trừ xe cảnh sát và quân đội hoặc người dân nếu được lực lượng an ninh hộ tống. Các chuyến bay cũng bị cấm từ lúc 6 giờ 22 phút. Theo LHQ, hậu quả trận động đất tại Haiti còn kinh hoàng hơn vụ sóng thần tại châu Á năm 2004, đồng thời là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất mà tổ chức quốc tế này từng phải đối mặt. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã tới Haiti để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân, những người đang sống trong cảnh khốn cùng và nỗi đau mất mát quá sức chịu đựng. Theo TTK Ban Ki Mun, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đang huy động nguồn lương thực để cấp cho ít nhất 40.000 người/ngày. Ngoài ra, một ưu tiên khác của LHQ là điều phối các đợt hỗ trợ quy mô lớn do cộng đồng quốc tế gửi đến.
Trong một diễn biến liên quan đến Haiti, ngày 17-1, Ngoại trưởng Canađa Loren Kennơn cho biết, theo đề xuất của Pháp, một hội nghị khẩn cấp các nhà tài trợ sẽ được tổ chức vào ngày 25-1 tại Mônrêan, thủ phủ tỉnh Kêbếch của Canađa, để thảo luận về nỗ lực tái thiết Haiti sau thảm họa động đất vừa qua. Theo ông Kennơn, hội nghị Mônrêan sẽ là cơ hội để đánh giá lại tình hình tại Haiti và bảo đảm rằng LHQ có thể chú trọng vào các nỗ lực quốc tế để trợ giúp người dân Haiti một cách hiệu quả hơn nhằm đối phó với những thách thức cũng như chuẩn bị cho sự ổn định và tái thiết lâu dài. Dự kiến Thủ tướng Haiti Giăng Mắc Benrivơ và Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn sẽ tham dự hội nghị này.
Lúc này, nhiệm vụ chính của chính quyền địa phương và các chuyên viên nước ngoài ở Haiti là tiến hành chiến dịch cứu trợ một cách hiệu quả. Hiện ở Haiti có các nhân viên cứu trợ đến từ Mỹ, Nga, Ixraen, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Braxin và nhiều nước khác. Mỹ đang triển khai một trong những chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô nhất từ trước tới nay. Hơn 4.000 binh lính và chuyên gia dân sự Mỹ đã có mặt tại Haiti và trong tuần này sẽ bổ sung thêm 6.000 người. Quân đội Mỹ đã được chính quyền Haiti chuyển giao nhiệm vụ kiểm soát sân bay Poóctô Pranhxơ. Lầu Năm Góc đang điều hành căn cứ hậu cần được đặt trên các tàu chiến của Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson. Một bệnh viện dã chiến mang tên Comfort, với 250 giường bệnh và 12 phòng giải phẫu, sẽ cập bến Haiti trong tuần này. Căn cứ hải quân Goantanamô của Mỹ trên lãnh thổ Cuba đang trở thành địa điểm trung chuyển hậu cần. Trong khi đó, Chính phủ Cuba cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả Mỹ, để giúp đỡ người dân Haiti. La Habana đã chấp thuận để Mỹ sử dụng không phận nước này cho công tác cứu hộ nạn nhân trận động đất. Theo tính toán của LHQ, cần khoảng 560 triệu USD viện trợ quốc tế để khắc phục hậu quả thảm họa nhân đạo và khôi phục Haiti.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.