Haiti đang đối mặt với vòng bi kịch thứ hai chỉ 3 ngày sau động đất, khi phải chật vật giải quyết thậm chí một con số nhỏ trong khối lượng lớn hàng hỗ trợ quốc tế đang được triển khai đến đây. Bi kịch này mang tên “cơn ác mộng hậu cần”.
Các chuyến bay cứu trợ đã đến nhưng lại phải quay đầu về nơi xuất phát, cảng biển vẫn còn bị đóng cửa và hầu hết cơ sở hạ tầng của thủ đô Port-au-Prince đã bị phá hủy.
Với 3 triệu người ở Port-au-Prince đang bị thiếu nước uống, lương thực và thuốc men nghiêm trọng – và hàng nghìn người vẫn mắc kẹt dưới các đống đổ nát – các chuyên gia đang nói về một cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chặn làn sóng chết chóc thứ hai, chết do không thể nhận được các đồ cứu trợ.
Chuyến bay cứu trợ đầu tiên đã đến thành phố từ hôm qua, 14/1, nhưng máy bay không thể hạ cánh vì sân bay đã quá tải và cũng không có nhiên liệu cho các chuyến bay trở về. Riêng việc dỡ hàng từ chỉ một máy bay của Trung Quốc đã phải mất 6 giờ vì không đủ thiết bị. Máy bay cứu trợ của Anh là một trong 11 máy bay của quốc tế phải quay đầu trở về nước.
Cảng biển cũng không thể sử dụng được do các cầu tàu đã bị hư hại nặng. Hầu hết các tuyến đường bộ đều không thể đi qua. Chính phủ mới chỉ vừa phục hồi chức năng do hầu hết văn phòng của các bộ đều bị tàn phá. Không nước, không điện, không thiết bị dọn những vật nặng và hệ thống liên lạc viễn thông gần như vô hiệu hoàn toàn.
Tổng thống René Préval cho biết ông đã nghe thấy con số ước tính có 50.000 người chết. Félix Augustin, Tổng lãnh sự của Haiti tại Liên Hợp Quốc, cho biết con số này phải là hơn 100.000 và còn tiếp tục tăng. Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Haiti cho biết tính đến hôm qua, 36 nhân viên của cơ quan này đã được xác định thiệt mạng và 73 người khác bị thương.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng 24 giờ tới, tức là tính đến ngày 15/1, là khoảng thời gian cực kỳ nguy cấp để cứu những người có thể cứu, nhưng bà thừa nhận: “Chỉ nỗ lực tiếp cận với người gặp nạn để cung cấp hỗ trợ y tế đã cho thấy rất khó khăn rồi”.
Với 8 bệnh viện ở Port-au-Prince bị hư hại nghiêm trọng, Olivier Bernard – người đứng đầu cơ quan y tế Médecins sans Frontières, cảnh báo: “Chúng ta đang tiến tới giai đoạn nguy cấp. Tối nay (14/1), một lượng khổng lồ hàng cứu trợ phải đến được nơi đây. Để cứu hàng nghìn mạng sống, cần phải có các thiết bị phẫu thuận trong vòng 48 giờ nữa”.
Trong khi đó, tổ chức từ thiện Christian Aid của Anh khẳng định các nguồn nước và lương thực sẽ cạn kiệt trong vòng 3 ngày nữa, tính từ hôm qua. “Việc phân phát nước và lương thực phải được bắt đầu ngay lập tức. Công tác vệ sinh cũng cần phải được triển khai ngay, nếu không muốn một thảm kịch thứ hai tiếp diễn”, tổ chức này nói.
Ông Charles Vincent, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới tại Geneva cho biết là hầu hết những nạn nhân đều không có thực phẩm trong mấy ngày qua, trừ khoảng 3.000 người sống tại Jacmel gần phi trường là nhận được một ít thực phẩm hôm thứ 13/1.
Hiện hàng chục nước, tổ chức và công ty từ mọi châu lục đã cam kết hỗ trợ tài chính, hậu cần, tham gia cứu trợ và tái thiết Haiti.
Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố khoản cứu trợ ban đầu là 100 triệu USD. IMF cam kết 100 triệu USD, Liên Hợp Quốc 10 triệu USD và Anh gần bằng số này.
Vấn đề giờ đây là các khoản cứu trợ đến tay những người cần cứu trợ đúng lúc. Mỹ đã phái một tàu sân bay, một tàu y tế, một số tàu hải quân cùng 5.500 lính, nhưng không thể cập cảng Haiti trước thứ Hai tuần tới.
Giữa cảnh hoang tàn hỗn độn và ngay khi những xác chết còn la liệt trên phố, cướp bóc lại nổi lên. Chúng hoành hành trong các khu thương mại, các cửa hàng, nhà xưởng - lấy từ gạo đến đồ điện tử. “Các cảnh sát còn đang bận cứu người và chôn cất gia đình của họ”, Manuel Deheusch, chủ một nhà máy nhỏ, nói. “Họ không có thời gian để tuần tra trên phố”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.