Nhiều gia đình đang cảm thấy bất an rằng, liệu những con mình đang nuôi có phải là con ruột do mình đẻ ra hay là nhầm? Liệu có khe hở hay không?
Sau 2 vụ trao nhầm con của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 64 tuổi, Quán Thánh (42 năm) và bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi), Hoàng Hoa Thám (29 năm), Hà Nội vừa qua, đang khiến dư luận vô cùng hoang mang và lo lắng.
Người trong cuộc thì đau xót đến tột cùng và hy vọng một ngày nào đó, họ sẽ tìm lại được người thân của mình. Nhưng những gia đình khác lại cảm thấy bất an rằng, liệu những con mình đang nuôi có phải là con ruột do mình đẻ ra hay không? Dư luận đang tự đặt ra câu hỏi là liệu có khe hở nào đó trong quy trình trao- nhận con ở nhà hộ sinh không?
Nữ hộ sinh A của một bệnh viện phụ sản lớn tại Hà Nội (đề nghị giấu tên), người đã có ngoài 20 năm trong nghề bà đỡ khẳng định chắc chắn thời này rất hiếm khi trao nhầm như 2 trường hợp trên bởi các khâu được làm bài bản và nghiêm ngặt.
Chị cho biết: “Tôi vô cùng cảm thông với nỗi đau của gia đình các chị Hạnh và Hoa. Cũng là người mẹ, tôi mong muốn họ sớm tìm được người thân và được đoàn tụ với gia đình”.
Nói về lý do tại sao ngày trước xảy ra các vụ nhầm lẫn con cái như vậy, nữ hộ sinh này nói: “Ngày xưa, thời buổi khó khăn, chiến tranh loạn lạc, khi máy bay và giặc đến tất cả y bác sĩ và người bệnh đều phải di chuyển. Cán bộ y tế di chuyển sản phụ còn nữ hộ sinh và bác sĩ di chuyển theo sau. Trong thời gian đó, nếu sản phụ nào được ra viện trước, họ sẽ trả mẹ và con luôn. Cho nên mã số giữa mẹ và bé bị lẫn lộn ở giai đoạn này là có thể. Bây giờ, xã hội tiên tiến, ngành y ngày càng phát triển, mã số được làm cẩn thẩn, số của mẹ được đeo vào tay và con đeo vào chân”.
Chị Tạ Thị Thu Trang, người bị trao nhầm 42 năm qua. (ảnh: KT) |
Nữ hộ sinh này dẫn chứng rất cụ thể, ví dụ: Mẹ có mã số 155, con cũng số đó luôn. Mẹ tên là Nguyễn Thị A, sinh năm 1980, con cũng Nguyễn Thị A sinh năm 1980. Mã số của mẹ và của con trùng nhau. Chính vì thế, điều đó không thể gây ra sự nhầm lẫn được. Bởi vì, gia đình sản phụ có đầy đủ 3 thành phần lúc chờ sinh, sau sinh: người đẻ, người nhà người đẻ, bác sĩ – họ sẽ trao con cho gia đình rất cẩn thận.
Nữ hộ sinh cũng cho biết thêm, có khả năng, ngày xưa, ánh sáng cũng không đầy đủ, điện lúc có lúc không nên người ta phải sử dụng đèn dầu, vì vậy mã số của mẹ và con bị lẫn lộn. Mặt khác, do việc đánh dấu ngày xưa được viết bằng bút có thể mực lại không tốt, thậm chí viết tạm bằng bút máy nên lúc tắm hoặc rửa tay, rửa chân cũng làm mờ số. Khả năng cao nhầm con là do nguyên nhân đó chứ không phải là do cố tình đánh tráo. Bây giờ, điện đầy đủ, bút viết không bị phai màu nên không thể xảy ra chuyện trao nhầm mẹ và con.
Theo nữ hộ sinh này, từ năm 2012, bệnh viện phụ sản nơi chị làm việc, người ta đã dùng đồng xu để đánh dấu mẹ và con. Đồng xu này này được làm sẵn từ trước, sau đó đeo vào tay cho mẹ và chân của con. Trong trường hợp, một trong 2 người bị mất số thì cũng chẳng có vấn đề gì vì lúc đó con đã được ở cùng mẹ. Tuy nhiên, để cẩn thận hơn, người ta đánh dấu số của mẹ vào ngực áo hoặc dán lên trán còn đồng xu đeo vào con.
Nói tóm lại, khi đồng xu bị mất, mọi người sẽ thay đồng xu khác cũng như sửa lại hồ sơ bệnh án. Khi thay mã số, họ cũng thay luôn áo và số. Tất cả đều đồng bộ để không bị nhầm lẫn.
“Hơn 20 năm làm trong nghề, tôi chưa thấy có sự cố nhầm lẫn nào”, nữ hộ sinh này tự hào nói.
Cùng quan điểm với nữ hộ sinh trên, chuyên gia sản khoa - bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương, Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh BV Phụ sản Hà Nội; Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học; Giảng viên bộ môn Sản phụ khoa Đại học Y Hà Nội cho rằng: “Hồi đó, ở các nhà hộ sinh hay bệnh viện nói chung cũng chưa có số mẹ - con, người ta viết tên mẹ-tên con lên chân cháu bé, có thể viết nhầm”.
Vậy làm thế nào để tìm thấy con của mình? Nữ hộ sinh trên cho rằng thường người mẹ có linh cảm, giác quan thứ 6 cùng với trí nhớ và ký ức, sẽ gợi lại những người đã sinh cùng ngày, cùng phòng với mình hoặc những người nằm cạnh mình trong nhà hộ sinh. Từ đó sẽ dần dần tìm ra. Đến khi gặp lại, các kỷ niệm lại ùa về, và những người đó có khi cũng có cảm giác, con của mình cũng không giống mình... rồi có thể cũng tìm ra.
Nữ hộ sinh nói: bất cứ sản phụ nào cũng nhớ tên người nữ hộ sinh trao con cho mình lúc đó. Những thông tin gợi nhớ đó cũng có thể tìm ra.
Còn bác sĩ Chương lại gợi ý, để tìm lại, chúng ta phải xem danh sách tất cả những em bé sinh ra tại nhà hộ sinh trong thời gian đó (từ lúc mẹ vào nhà hộ sinh cho đến khi xuất viện), sau đó thử ADN sẽ ra kết quả ngay thôi./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.