(HNM) - Hà Nội có 9 trung tâm giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH), một trung tâm quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm, hiện quản lý gần 8.000 người trong tổng số 21.000 người nghiện có hồ sơ. Vào trung tâm, thường là người nghiện nặng, sức khỏe kém, nhiễm nhiều loại bệnh, nhân thân bất hảo; việc quản lý, chữa trị, cai nghiện rất vất vả. Nhưng kinh phí dành cho các hoạt động ở trung tâm còn quá ít ỏi.
Nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH TP Hà Nội, Trung tâm GDLĐXH đảm nhiệm công việc rất nặng nề, giáo dục văn hóa, pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất để phục hồi hành vi, nhân cách, sức khỏe cho người nghiện. Từ năm 2011, các trung tâm có thêm nhiệm vụ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai tại trung tâm; giới thiệu việc làm cho người đã hoàn thành chương trình học nghề 2 năm sau cai nghiện trở về cộng đồng. Trong khi đó, những người phải cai nghiện bắt buộc tại trung tâm là người nghiện nặng, đã nhiều lần cai nghiện không thành công. Phần lớn trong số họ có tiền án, tiền sự, nhân thân bất hảo. Bị ma túy phá hủy thần kinh, nhận thức của người nghiện thường lệch lạc. Vào trung tâm, họ mang theo lối sống vô kỷ luật, hành xử theo kiểu "xã hội đen". Sau lưng cán bộ, chuyện ăn chặn, trấn lột, gây gổ, đánh đập lẫn nhau… sẵn sàng bùng nổ khi có cơ hội. Trong khi đó, nhân sự tại các trung tâm thường không đủ.
Học viên học nghề tại Trung tâm GDLĐXH số II (Ba Vì). Ảnh: Linh Tâm |
Việc quản lý người nghiện ở các trung tâm rất nặng nề, căng thẳng. Tại Trung tâm GDLĐXH số VI (Sóc Sơn, Hà Nội), Trưởng phòng Bảo vệ Nguyễn Ngọc Kim cho biết: Trung tâm ở gần khu vực dân cư, công tác bảo vệ rất khó khăn. Do nhận thức không đầy đủ, một số gia đình học viên không hợp tác với trung tâm, thường trả tiền trước cho hàng quán hoặc thuê người dân ở xung quanh trung tâm ném ma túy, thuốc lá, thuốc lào… qua hàng rào vào những giờ nhất định. Vì thế, trung tâm phải giãn nhân sự, phân công người thường xuyên túc trực 24/24 giờ tại những điểm xung yếu, nhạy cảm, nhằm phát hiện, thu giữ kịp thời, nhất là phòng chống thẩm lậu ma túy. Ngoài việc phải sâu sát, nắm vững tình hình nội bộ học viên, cán bộ trung tâm phải phát hiện, giải quyết kịp thời những xích mích, va chạm, phản ứng nhanh với mọi tình huống, phòng tránh kịp thời các tình huống cộng hưởng, a dua, dẫn tới bạo loạn, tự sát…
Kinh phí ít ỏi
Trong điều kiện làm việc khắc nghiệt ấy, kinh phí cấp cho hoạt động của trung tâm lại rất khiêm tốn, cơ sở vật chất, nhà xưởng chưa được đầu tư đồng bộ, dụng cụ, trang thiết bị dạy và học văn hóa, học nghề thiếu thốn. Giám đốc Trung tâm GDLĐXH số II (Ba Vì, Hà Nội) Nguyễn Thị Phương cho biết: Hằng tháng học viên được trợ cấp 420.000 đồng tiền ăn, 16.700 đồng tiền dịch vụ y tế. Với số tiền đó, học viên được ăn hai bữa chính 7.000 đồng/bữa. Các dịch vụ cắt cơn, điều trị các bệnh thông thường, bội nhiễm (của người nhiễm HIV), cấp cứu tai nạn, đánh nhau… đều gói trọn trong số tiền 16.700 đồng/tháng. Việc tổ chức trồng rau xanh, chăn nuôi cải thiện đời sống với những người hay ốm đau, không tự giác lao động cũng rất khó khăn. Theo quy định, trong thời gian cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, 12 tháng đầu học viên được hỗ trợ của Nhà nước, 12 tháng sau gia đình phải đóng góp nuôi dưỡng người thân. Nhưng không phải người nghiện nào cũng được gia đình chu cấp. Trong khi đó, trung tâm không thể bỏ mặc học viên, nhiệm vụ quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên lại càng nặng nề.
Kinh phí đã hạn hẹp, tạo việc làm để tăng thu nhập cho học viên cũng không hề đơn giản. Phần lớn các trung tâm tập trung sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện bữa ăn cho cán bộ, học viên, chưa có sản phẩm hàng hóa có hiệu quả kinh tế, rất khó cải thiện chất lượng sinh hoạt, học tập cho học viên. Giám đốc Trung tâm GDLĐXH số VI Đinh Thanh Tùng tâm sự: Trong khi nhiều người thiếu thiện cảm với người nghiện, việc làm cho học viên là vấn đề rất nan giải. Cán bộ trung tâm phải mất rất nhiều công sức thuyết phục, mời các chủ doanh nghiệp đến tham quan, hợp tác, tạo việc làm cho học viên. Vừa vận động doanh nghiệp hợp tác, vận động gia đình học viên hỗ trợ, trung tâm vừa chuyển sang dạy các nghề đơn giản: làm hàng mã, gia công sản xuất con giống, gia công cơ khí. Tuy là những nghề phù hợp hoàn cảnh hiện tại của trung tâm, nhưng lại không hấp dẫn, khó có khả năng nuôi sống học viên khi về với cộng đồng…
Nhiệm vụ quản lý, chữa trị, cai nghiện, phục hồi nhân cách cho người nghiện là hết sức quan trọng trong quá trình bảo vệ an ninh, an toàn, phát triển con người và xã hội. Vì thế, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, rất cần sự hợp sức của các gia đình, tổ chức, cộng đồng… để các trung tâm GDLĐXH hoạt động hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.