Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai vấn đề ngẫm suy từ Đại hội Đảng bộ một số địa phương

PGS. TS Phạm Xuân Hằng| 26/10/2015 05:47

(HNM) - Vừa qua, Đảng bộ một số tỉnh, thành phố đã tổ chức đại hội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Qua các đại hội có thể suy ngẫm về cái mới, cái cũ xung quanh việc nhận định, đánh giá tình hình trong các báo cáo trình đại hội và công tác cán bộ.


Về đánh giá tình hình. Cách nhận định về kinh tế - xã hội chưa nhất quán dường như đã là hiện tượng thường xuyên xuất hiện trong nhiều văn bản sơ kết, tổng kết chuyên đề và cả báo cáo chính trị trình đại hội các cấp. Qua thông tin trên báo chí, không ít báo cáo chính trị ở Đại hội Đảng bộ các tỉnh vừa qua cũng rơi vào tình cảnh đó. Cách đánh giá này mang tính chất chung chung, chưa sát thực nên không thể nhận diện được đúng, được trúng thực trạng, không chỉ ra được nguyên nhân tạo ra những lực cản phát triển để có giải pháp khắc phục. Đó là cái cũ, chưa được đổi mới, đáng ra đại hội các cấp vừa qua cần phải làm mới hơn, phải khắc phục cách nhìn nhận thiếu nhất quán về thực tiễn.

Khi coi những đánh giá, nhận định còn mâu thuẫn là cơ sở xác định phương hướng, nhiệm vụ cho chặng đường tiếp theo thì khó mà có tư duy sáng tạo để biến đổi tình hình theo hướng tích cực. Như thế, ngay từ khâu xác định tiền đề thực tiễn cho hoạch định chính sách đã không trúng, thì chính sách khó có thể đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, có một mệnh đề mà đang trở thành câu đánh giá không bao giờ sai, thường được sử dụng lâu nay. Mệnh đề đó là: “Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương”. Khi chỉ đạo, cán bộ lãnh đạo cũng nhận định: Sự phát triển của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; và vì thế Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phải khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để đưa…

Cách nhận định như thế sẽ luôn đúng, nhưng không tạo ra một cú hích cho phát triển. Đơn giản là quá chung chung, mà cuộc sống cần cụ thể, thiết thực. Đây là một cái cũ, rất cũ dễ thấy qua các đại hội vừa qua, hiện chưa được làm mới.

Thay vì việc các cấp bộ Đảng chỉ dừng lại ở nhận định mang tính “công thức” như thế, cần chỉ ra những nguyên nhân làm cho sự phát triển không tương xứng với tiềm năng là gì? Nguyên nhân ấy nằm ngay trong chính sách hay trong con người thực hiện chính sách? Chính sách đã bảo đảm các điều kiện thực hiện mang tính khả thi hay chưa (như các nguồn lực của địa phương ở trình độ, quy mô nào)? Chỉ khi nhận diện đúng, trúng nguyên nhân mới có cơ sở để hình thành giải pháp. Xét đến cùng, tư duy sáng tạo, phát triển luôn đòi hỏi đường lối, chính sách phải mang tính cụ thể, thiết thực, gắn chặt với thực tiễn mà khâu đầu tiên là nhận diện, đánh giá chính xác đúng thực trạng. Cách đánh giá, nhận định tình hình như nêu trên đã đến lúc phải được thay đổi bằng cách nhìn khoa học và trách nhiệm hơn.

Về công tác cán bộ. Bên cạnh điều chưa mới ấy, xã hội rất quan tâm đến một cái mới là công tác nhân sự ở một số tỉnh trước và trong đại hội. Điều đáng mừng là cán bộ trẻ đã được quan tâm, chú ý bố trí, sử dụng trong hệ thống lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, đồng thời đã được đại hội tin tưởng bầu vào cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh với những vị trí trách nhiệm khác nhau. Nếu số cán bộ trẻ này có đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng, nhất là các yếu tố ấy đã có quá trình trải nghiệm, thể hiện trên thực tế thì chắc chắn họ có cơ sở để thể hiện tư duy sáng tạo của tuổi trẻ trong việc tham gia hoạch định chính sách và chỉ đạo công việc trong thực tiễn. Như thế sẽ có đóng góp tích cực cho phát triển địa phương. Nhiều địa phương quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ trẻ như thế, chắc chắn sẽ góp phần để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nhưng, chữ “nếu” trên không có mà vẫn được bổ nhiệm và cơ cấu vào bộ máy lãnh đạo, quản lý thì hệ lụy sẽ ra sao? Ai cũng biết con người là nhân tố quyết định thành, bại của mọi công việc. Quy hoạch, bố trí cán bộ vào cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp là một công việc càng phải thận trọng và khoa học, đòi hỏi tổ chức Đảng phải thể hiện trách nhiệm cao trước Đảng và dân trong công tác nhân sự. Điều quan trọng bậc nhất trong công tác bố trí cán bộ là tiêu chuẩn của chức danh các cấp. Đảng và Chính phủ đều ban hành tiêu chuẩn cán bộ trong hệ thống của mình rất cụ thể. Bên cạnh đó, còn quy định quy trình công tác lựa chọn nhân sự khá đầy đủ. Vừa qua, Đoàn Thanh tra Bộ Nội vụ đi thanh tra công tác bổ nhiệm ở Quảng Nam chỉ nhấn mạnh kết luận địa phương thực hiện “đúng quy trình” mà không đả động gì đến tiêu chuẩn. Phải chăng quy trình quan trọng hơn tiêu chuẩn?

Như thông tin trên báo chí, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng của tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương đã bổ nhiệm một cán bộ trẻ tuổi 30 làm giám đốc sở, khiến dư luận không ít lời trao đi đổi lại. Nếu cán bộ này thực chất có trình độ và năng lực đã được thể hiện qua thực tiễn công tác, hội đủ các tiêu chuẩn cứng (cao cấp chính trị, chuyên viên chính…) thì việc bổ nhiệm chức danh giám đốc sở là bình thường. Theo báo chí, từ năm 2012, vị cán bộ này đã kinh qua các vị trí quản lý trưởng phòng, phó chủ tịch huyện, đến tháng 4-2015 được bổ nhiệm phó giám đốc sở và tháng 9-2015 được bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh và Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua đã được bầu vào Tỉnh ủy. Trường hợp này không khỏi làm cho dư luận có những nhận định khác nhau: Chỉ trong vòng hơn 3 năm, đồng chí này từ cấp trưởng phòng được thăng lên giám đốc sở, tỉnh ủy viên chắc phải là người có thành tích đặc biệt trong quản lý? Ngồi ghế phó giám đốc sở được 5 tháng, chưa đủ thời gian trải nghiệm nắm bắt các hoạt động của sở mà đã được thăng lên giám đốc thì ắt phải là nhân tài. Thêm vào đó, tuổi ấy, thời gian công tác ấy chưa đủ điều kiện để thi chuyên viên chính. Như thế, dư luận sao không bình luận trái chiều về công tác cán bộ!

Cần nhận thức rằng, “tỉnh ủy viên” là một chức danh đầy trách nhiệm và thử thách. Đây là nhiệm vụ nặng nề được tổ chức Đảng giao cơ hội để bằng thực lực của bản thân đóng góp hiệu quả trong công tác lãnh đạo, tổ chức chính quyền và nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, chứ không phải vị trí chỉ là đại biểu của một bộ phận dân chúng nào đó. Nếu nhận thức không đúng, không thấu để cống hiến thì chức danh ấy dễ chỉ là một nấc thang trên con đường tìm kiếm danh vọng, danh lợi không hơn không kém. Trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, một sinh viên ra trường rồi đi học nâng cao trình độ, trở về tham gia công tác, nay đảm nhận vai trò tỉnh ủy viên ở tuổi chưa đầy 30, ắt đang ấp ủ mầm mống một nhân tài trong tương lai.

Những hiện tượng như vậy khiến dân gian khái quát phương thức làm công tác nhân sự thông qua 6 chữ “ệ” (hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ, trí tuệ, mặc kệ) mà Trung ương cũng đã nghe, đã biết. Chính câu chuyện nêu trên làm cho việc bổ nhiệm, bầu cử các cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo ở một số địa phương vừa qua trở nên sôi động, người hồ nghi, người vui mừng cùng bình luận. Câu chuyện trở nên “mới và nhạy cảm” khi những cán bộ trẻ ấy lại là con cán bộ cao cấp.

Dư luận xôn xao rằng những cán bộ trẻ kia là con cán bộ cấp tỉnh, cấp trung ương nên mới được tiến nhanh lên vị trí lãnh đạo trong một quá trình ít trải nghiệm thực tế. Đã có con em nhân dân nào được quy hoạch tiến nhanh như thế đâu. Dư luận khác lại cho rằng, nói thế là ngăn đường tiến của con em cán bộ lãnh đạo. Bố trí được thế là tốt cho Đảng, cho đất nước vì xuất thân của họ từ trong gia đình có truyền thống cách mạng nên luôn tâm huyết cách mạng, họ không làm nghèo đất nước đâu mà sợ.

Thực tiễn cuộc sống sinh động sẽ chứng minh. Hy vọng, những cán bộ trẻ đó sẽ chứng tỏ được năng lực, trình độ của mình trong thực tế công việc để địa phương tiến nhanh, bền vững. Cán bộ trẻ là con lãnh đạo được tín nhiệm lần này phải coi đó là áp lực để bằng trí tuệ, nhân cách, năng lực của bản thân mà cống hiến, nếu muốn khẳng định mình, muốn bảo vệ uy tín của Đảng và bảo vệ danh dự gia đình.

Thực tế, đã có những cán bộ trẻ xuất thân là con lãnh đạo tỉnh, thành phố trở lên, nhưng có một quá trình phấn đấu bền bỉ, đi bằng bộ óc của chính mình, đứng vững trên đôi chân trải nghiệm từ cơ sở, có uy tín cao ở địa phương nên họ vững vàng, bản lĩnh, trí tuệ khi nhận nhiệm vụ Đảng giao và được dư luận ủng hộ, không mảy may dị nghị.

Vấn đề đặt ra hôm nay là Đảng và Nhà nước cần sớm đổi mới căn bản công tác cán bộ, trong đó, các yếu tố về đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng phải được thể hiện qua cạnh tranh minh bạch. Nếu bổ nhiệm, bầu cử cán bộ trẻ là con em lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn do Đảng và Nhà nước đề ra, tất yếu sẽ gây ra dư luận dị nghị, không có lợi cho Đảng, không bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong thực hiện chính sách cán bộ. Kinh nghiệm tốt ở nhiều địa phương là cơ sở tham khảo, giúp ích cho đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp không thể không nhấn mạnh quá trình trải nghiệm thực tế và sự tín nhiệm của cơ sở.

Trong phạm vi bài viết này chỉ xin nêu ra hai vấn đề cần quan tâm qua Đại hội Đảng bộ một số địa phương, từ đó mong muốn có sự đổi mới về nhận định, đánh giá kinh tế - xã hội và đổi mới tổ chức cán bộ trong những năm tới mà bắt đầu từ Đại hội XII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai vấn đề ngẫm suy từ Đại hội Đảng bộ một số địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.