Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai vấn đề cốt yếu

Ngọc Quỳnh| 22/06/2012 06:35

(HNM) - Chăn nuôi bò thịt ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang phát triển mạnh, người chăn nuôi thực sự đổi đời từ nghề nuôi bò thịt. Nhưng để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả cao cần chú trọng hơn nữa tới khâu lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn bò thịt và hình thành những vùng chăn nuôi quy mô lớn.


Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Hà Nội có 56 trang trại chăn nuôi bò thịt ngoài khu dân cư với 971 con. Thành phố đã quy hoạch được 19 xã trọng điểm về phát triển bò thịt. Hiện đã xây dựng được 5 xã trọng điểm là Minh Châu huyện Ba Vì, Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Đông Yên huyện Quốc Oai; Minh Trí huyện Sóc Sơn, Tự Lập huyện Mê Linh với tổng số lượng bò là 7.787 con/2.678 hộ, quy mô bình quân là 2,94 con/hộ. Điển hình trong chăn nuôi bò là xã Minh Châu huyện Ba Vì với 3.000 con bò/452 hộ nuôi (số hộ chăn nuôi bò chiếm 40% tổng hộ dân toàn xã), xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn với 2.356 con/1.048 hộ (số hộ chăn nuôi bò chiếm 34% tổng số hộ dân toàn xã)... Tại những xã này chất lượng giống bò được cải thiện rõ rệt mang lại lợi ích kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện và đây là những vùng sản xuất giống bò thịt cao sản cung cấp cho Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Anh Phan Văn Trường xã Minh Châu, huyện Ba Vì cho biết, từ năm 1998 chuyển sang nuôi bò thịt, được Trung tâm Phát triển chăn nuôi tập huấn về kỹ thuật, đưa giống bò mới vào sản xuất gia đình anh đã phát triển thành quy mô trang trại 15ha, nuôi hàng trăm con bò. Mỗi năm thu nhập từ bán bò giống và bò thịt được hơn 100 triệu đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết, để nâng cao chất lượng đàn bò, Trung tâm đã đưa hai giống bò thịt là Braman, Droughtmaster vào chăn nuôi đạt kết quả cao; tỷ lệ bò cóc, bò vàng giảm còn dưới 10%. Điểm nhấn là các giống bò mới đưa vào lai tạo đã tạo ra thế hệ con lai phù hợp với điều kiện tự nhiên, khỏe mạnh, nhanh lớn và ít bệnh cho lợi nhuận tăng từ 5-7 triệu đồng/con so với nuôi giống bò lai Sind. Ông Nguyễn Văn Quấn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nuôi bê lai Droughtmaster sau một năm, bán được 15 triệu đồng/con trong khi các hộ nuôi bò lai Sind chỉ bán được 8-10 triệu đồng/con. Bên cạnh các xã chuyên phát triển giống bò thịt, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là điển hình về chăn nuôi bò với tổng đàn là 2.600 con, phương thức nuôi chủ yếu là vỗ béo. Những năm qua, Trung tâm Phát triển chăn nuôi đã hướng dẫn, đào tạo quy trình vỗ béo bò thịt, giúp người dân làm giàu, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Để giúp nông dân phát triển bò thịt, thành phố đã đầu tư kinh phí để hoàn thiện hệ thống giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi đáp ứng nhu cầu con giống cho người dân, đồng thời làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Đối với người chăn nuôi, Trung tâm khuyến cáo nông dân cần bỏ tập quán chăn thả tự nhiên, chuyển sang hình thức chăn nuôi thâm canh, quy mô với mức đầu tư cao, theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài đầu tư con giống, chuồng trại, người chăn nuôi cần sử dụng thức ăn tinh hỗn hợp vỗ béo cho bò trước khi bán thịt, có bố trí diện tích trồng cỏ để bảo đảm thức ăn thô xanh, giảm chi phí "đầu vào" và tăng hiệu quả cho nghề chăn nuôi.

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường: Thời gian tới để phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản theo vùng và xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng 19 xã chăn nuôi bò thịt với quy mô đạt 28.500 con. Khâu cải tiến nâng cao chất lượng giống vẫn được đặt lên hàng đầu, bên cạnh hai giống bò Braman, Droughmaster sẽ tiếp tục đưa một số giống bò mới chuyên thịt vào nuôi tại các xã trọng điểm để nâng cao chất lượng bò thịt trên địa bàn. Trung tâm đang xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng tăng hiệu quả cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai vấn đề cốt yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.