(HNM) - Trong hai ngày cuối tuần, thông tin 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa - Quảng Trị sau khi tiêm vắc xin viêm gan B đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Sau bàng hoàng là tâm lý lo ngại về chất lượng công tác y tế dự phòng, nhất là khâu liên quan đến việc phòng bệnh cho trẻ nhỏ.
Cũng có một thông tin khác, lớn hay nhỏ, quan trọng hay không tùy thuộc vào cách nhìn nhận của cộng đồng, đó là sự xuất hiện hàng loạt điểm bán kính "hàng hiệu" giá rẻ - có khi chỉ 20.000 đồng cho một chiếc kính thời trang. Giá rẻ là tốt, nhưng rẻ đến mức không thể tin nổi thì thành mối nghi ngại: Chất lượng thế nào, có ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt hay không?
Hai việc trên có vẻ không liên quan đến nhau, thực chất có điểm chung là để lại tồn nghi chưa được giải đáp, và bởi vậy gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Cho đến trưa qua, chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây tử vong 3 trẻ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, những gì xuất hiện trên mặt báo chỉ là nhận định ban đầu, rằng nguyên nhân tử vong, là "do sốc phản vệ sau khi tiêm". Nhận định ấy có thể giúp ngành y nhẹ gánh trách nhiệm phần nào nhưng nó để lại một dấu hỏi lớn về chất lượng vắc xin, ít nhất là về quy trình và điều kiện bảo quản thuốc cho đến khi chúng được đem ra sử dụng. Biến cố 3 trẻ cùng tử vong do "sốc phản vệ sau tiêm" thì chuyện về chất lượng vắc xin không còn đơn giản nữa. Có người nói rằng, sự cố gây đau đớn đến tận cùng ở Hướng Hóa vào sáng 20-7 đã "cộng dồn" nỗi bất an của người lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, sau những vụ việc đã xảy ra rải rác trước đó mà gần nhất là vụ "ăn bớt vắc xin" xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Tại chất lượng vắc xin, tại quy trình bảo quản, tại một số thầy thuốc không xứng là "mẹ hiền" hay tại sự thiếu trách nhiệm của ngành y tế?
Câu chuyện "Hà Nội phát sốt vì kính giá rẻ" bắt đầu từ cách nay 2 tháng, từ một, hai cửa hàng bán kính ở phố Đại La, giờ đã lan thành chuỗi điểm bán kính giá rẻ. Người ta bán "kính hiệu Gucci" với giá vài chục nghìn đồng/chiếc, rẻ như cho, thật khác thường với những chiếc kính thời trang hàng hiệu thường có giá cao hơn thế hàng trăm lần. Kính được bày bán trong cửa hàng tạm bợ, có khi rải ngay trên hè phố, "điểm trừ cho chất lượng" là thế mà bao người vẫn đổ đến mua. Phía sau chiếc kính giá rẻ là gì? Một câu hỏi lớn về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, trách nhiệm quản lý thị trường, quan trọng nhất là câu hỏi rằng những chiếc kính ấy có thể dẫn đến điều gì cho cặp mắt của người đeo nó?
Những ngày qua, báo chí đã làm nhiệm vụ cung cấp thông tin liên quan đến hai việc trên, một số "gợi ý" trách nhiệm làm rõ sự việc của cơ quan quản lý ngành nhằm định hướng ứng xử cho người dân. Thực ra, trong trường hợp này, những kiến nghị cần được đưa ra một cách thẳng thắn hơn, giả như yêu cầu ngành y tế và cơ quan liên quan sớm trả lời cho dân biết những chiếc kính giá rẻ nói trên có đáng được lưu thông trên thị trường hay không, vì sao? Loại vắc xin tiêm cho 3 cháu bé đã tử vong có bảo đảm chất lượng hay không, nếu không thì vì lý do gì, do nhà sản xuất hay do quy trình và điều kiện bảo quản?
Đó là những câu hỏi cần được trả lời sớm, đầy đủ, bảo đảm cho người dân yên tâm, tin tưởng vào lựa chọn của mình, vào trách nhiệm quản lý xã hội nói chung. Ở đây, trong những trường hợp này, không có chỗ cho sự vô cảm và tinh thần thiếu trách nhiệm bởi hệ lụy xấu, nếu có, sẽ vô cùng lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.