(HNMO)- Sau phiên đảo chiều hôm trước, sáng nay (17/6), lực cung lớn khiến chỉ số chung tại sàn chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội quay đầu giảm lần lượt hơn 6 điểm và gần 3 điểm.
Ở đợt khớp lệnh đầu tiên, Vn-Index chỉ tăng nhẹ 0,71 điểm, tương đương 0,16%, xuống mức 445,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 1,107 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 23,177 tỷ đồng. Sang đợt khớp lệnh liên tục, tình hình thay đổi với lực cung được đẩy mạnh, trong đó khá nhiều mã cổ phiếu lớn bị bán ra, vì thế Vn-Index đảo chiều giảm 5,67 điểm (-1,27%), còn 439,5 điểm. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra sôi động với gần 37 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị đạt 620,590 tỷ đồng. Ở ợt khớp lệnh đóng cửa thị trường, chỉ số chung còn giảm mạnh hơn, mất 6,24 điểm (-1,4%), xuống mức 438,93 điểm.
Mặc dù giảm điểm nhưng lực cầu đáng kể giúp thanh khoản của thị trường tăng so với phiên trước. Tính cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường có trên 47,401 triệu đơn vị được giao dịch thành công, giá trị đạt 867,881 tỷ đồng. Trong khi con số của phiên trước chỉ là 34,5 triệu chứng khoán và 572,91 tỷ đồng.
Sức cung lớn khiến nhiều cổ phiếu giảm giá. Ảnh chụp bảng giao dịch điện tử tại sàn TP.HCM ngày 17/6 |
Sức cung lớn khiên cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo trên bảng giao dịch điện tử. Đến cuối phiên, thị trường ghi nhận 44 mã tăng giá, 181 mã giảm giá, 44 mã giữ giá tham chiếu. Nhiều cổ phiếu lớn giảm giá trong phiên này. Và đây là nguyên nhân chính kéo Vn-Index đi xuống. BVH mất 3.500 đồng/cổ phiếu, DPM hạ 1.400 đồng/cổ phiếu, EIB mất 100 đồng/cổ phiếu, FPT giảm 500 đồng/cổ phiếu, REE và VCB giảm lần lượt 500 đồng/cổ phiếu và 1.100 đồng/cổ phiếu; CTG, DIG, ITA, KBC, MSN, OGC, PPC, SSI, PVF, SJS giảm hết biên độ cho phép. Ở phía bên kia DXG, GMD, HAG, SAM, VIC, VNM, VPL tăng 300-6.000 đồng/cổ phiếu.
Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng không vượt mức trần lãi suất huy động 14% và sẽ thực hiện xử phạt mạnh tay đối với trường hợp vi phạm, đồng thời yêu cầu các tổ chức tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất. Nhiều nhà đầu tư hy vọng lãi suất sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa thể mừng vội bởi Thủ tướng vừa chỉ thị tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và tài khóa thắt chặt trong năm 2012. Điều này có nghĩa, tín dụng nói chung và tín dụng cho chứng khoán nói riêng từ nay đến cuối năm sẽ không thể nới lỏng. Trong khi đó, lo ngại về lạm phát vẫn hiện hữu… Những yếu tố trên cho thấy thị trường chứng khoán chưa thể sáng sủa.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đảo chiều giảm 2,05 điểm (-2,61%), còn 76,63 điểm. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước, đạt trên 52,491 chứng khoán, tương ứng giá trị 619,654 tỷ đồng.
Cùng chiều với hai sàn chính thức, tại sàn dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Index đóng cửa phiên buổi sáng ở mức 32,61 điểm, giảm 0,57 điểm (-1,72%). Toàn thị trường có 123.900 cổ phiếu được sang tay, giá trị là triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.