(HNMO) - Sức cung lấn át sức cầu khiến cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế, đẩy Vn-Index hạ lần lượt hơn 5 điểm và 2,48 điểm, trong đó Vn-Index về sát mốc 500 điểm. Điều đáng ghi nhận là tính thanh khỏan tăng mạnh ở cả hai sàn.
Thị trường không có thông tin nào hỗ trợ nên vẫn diễn biến lình xình và nhà đầu đẩy mạnh bán ra nhiều hơn. Tại sàn Tp.HCM, ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên, Vn-Index hạ 0,8 điểm, tương đương 0,15%, xuống mức 505,75 điểm. Khối giao dịch tăng khá mạnh so với cùng đợt phiên trước, đạt 483,730 triệu đơn vị, giá trị là 97,438 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, lệnh bán được nhà đầu tư đẩy ra mạnh hơn, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu đã tăng trần trong thời gian vừa qua như HTV, CYC, DTT…Ở đợt này chỉ số chung của thị trường giảm 5,26 điểm, tương đương 1,03%, còn mức 501,29 điểm. Đóng cửa phiên, Vn-Index đánh dấu sự đảo chiều khi hạ 5,73 điểm (-1,13%), xuống 500,82 điểm.
Vn-Index và HNX-Index giảm nhưng tính thanh khoản trên cả hai sàn tăng mạnh. Ảnh minh họa |
Không chỉ nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa bị bán mà nhóm blue-chips cũng bị bán khá mạnh trong phiên hôm nay, vì thế hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm này giảm giá. Cụ thể, DIG, DXG, HAG, HPG, NTL và SJS cùng giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, DPM mất 800 đồng/cổ phiếu, EIB và STB cùng hạ 200 đồng/cổ phiếu, FPT, KDC và REE đều mất 500 đồng/cổ phiếu, ITA và PPC giảm 400 đồng/cổ phiếu, KBC hạ 900 đồng/cổ phiếu, NKD giảm 100 đồng/cổ phiếu, SAM giảm 300 đồng/cổ phiếu, SSI mất 700 đồng/cổ phiếu. Chỉ BVH tăng giá, ghi 200 đồng/cổ phiếu.
Khá nhiều mã bị bán ở mức giá sàn. Đó là BT6, DTT, DXV, KDH, MTG, STG, TNT, UIC, VHG, VNE, kể cả “tân binh” SBS.
Số chứng khoán giảm giá chiếm áp đảo. Thị trường ghi nhận 195 mã đi xuống, nhiều gấp hơn 7 lần số mã tăng giá (27 mã), 28 mã còn lại giữ giá tham chiếu.
Mặc dù giảm điểm nhưng tính thanh khoản được cải thiện nhiều trong phiên này. Toàn thị trường có 52,536 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 1.465 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và hơn 22%.
Cùng chiều với sàn Tp.HCM, HNX-Index dừng ở mức 155,8 điểm, hạ 2,48 điểm, tương đương 1,57%. Khối lượng giao dịch tăng mạnh, đạt 32,768 triệu đơn vị và 939,761 tỷ đồng, so với mức 26,909 triệu cổ phiếu và trên 792,289 tỷ đồng của phiên hôm trước.
Trái ngược với hai thị trường chính thức, UPCoM-Index đóng cửa phiên buổi sáng tăng 2,25 điểm (+4,13%), tạm giữ ở mức 56,7 điểm. Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh, đạt tới trên 1,799 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 32,865 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ khi HNX thông báo một số điều chỉnh tại sàn UPCoM như từ 19/7 thực hiện khớp lệnh liên tục, kéo dài thời gian giao dịch(phiên giao dịch bắt đầu từ 8h30 thay vì từ 10h như hiện nay), khối lượng giao dịch tại đây luôn ở mức cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.