Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai phương án cho Quỹ tiết kiệm nhà ở

Y Linh| 23/02/2012 07:24

Bộ Xây dựng cho biết, dự kiến trong quý I-2012 Bộ sẽ trình Chính phủ đề án về Quỹ tiết kiệm nhà ở, với hai mô hình áp dụng cho người thu nhập thấp và người có thu nhập trung bình.


Khu chung cư 9 tầng dành cho người thu nhập thấp tại Xuân Mai - Hà Nội.Ảnh: Phan Anh

Theo Bộ Xây dựng, với mô hình thứ nhất, quỹ tiết kiệm nhà ở chuyên phục vụ người có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp (DN) vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn của quỹ được huy động từ tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại; ngân sách địa phương; nguồn tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia; lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở; phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc với các đối tượng tham gia một số hoạt động liên quan đến bất động sản (BĐS)... Đối tượng tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội khi đã đóng vào quỹ tối thiểu bằng 30% giá trị nhà ở cần mua, thuê mua với thời gian tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, mức đóng chia đều cho các tháng. Lãi suất bằng khoảng 1/2 lãi suất vay thương mại. Người vay thanh toán hằng tháng trong thời hạn 15 năm. Mô hình thứ hai áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Đối tượng tham gia đóng quỹ là người có thu nhập trung bình. Sau khi đóng quỹ khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua, người tham gia sẽ được vay thêm 50% còn lại. Điểm chung của hai mô hình là tham gia tự nguyện, không bắt buộc.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bản chất quỹ tiết kiệm nhà ở là lấy số đông giúp số ít, lấy người giàu giúp người nghèo. Singapore có chính sách đi làm có thu nhập sẽ tự động trích tỷ lệ phần trăm nhất định cho vào quỹ này. Khi về hưu, không có nhu cầu mua nhà, đối tượng tham gia được trả cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, có quốc gia lại quy định người dân tự nguyện tham gia mà không bắt buộc. Nguyên tắc là có góp mới được vay, nhưng chỉ có người nghèo góp với nhau thì bao giờ ra được đồng tiền to nên họ bổ sung thêm quy định như nhà nước cấp vốn điều lệ, các DN kinh doanh BĐS trích lợi nhuận mua trái phiếu. Thậm chí có quốc gia quy định mua ô tô cũng phải trích 1% góp vào quỹ, bản chất là lấy của người giàu giúp người nghèo, là người dân tự lo, tự giúp nhau. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận: "Hiện nay người thu nhập thấp, ngay cả công chức nhà nước, cũng khó có thể tích lũy để mua nhà. Tuy nhiên, cũng không thể trở lại thời kỳ bao cấp. Vì thế, hướng tiếp cận mới để giải quyết vấn đề nhà ở đã được Chính phủ thống nhất cao là "giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Ngay cả các nước giàu có cũng không thể bao cấp về nhà ở cho dân được. Chúng ta càng không đủ sức. Nhà nước chủ yếu hỗ trợ cho việc tạo lập quỹ nhà... Do đó, cần phải hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở. Phải có cơ chế lấy của số đông giúp số ít, lấy của người giàu chia cho người nghèo...".

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, bên cạnh Quỹ tiết kiệm nhà ở, cần khơi thông nhiều nguồn vốn khác cho phát triển nhà ở như ngân hàng phát triển nhà ở, quỹ đầu tư tín thác BĐS… để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS. Việc quá phụ thuộc vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đã đặt gánh nặng lên hệ thống ngân hàng và cũng làm thị trường BĐS phát triển thiếu bền vững. Khi ngân hàng "quá tải", siết tín dụng với BĐS, thị trường lại rơi vào khủng hoảng. Trong năm 2012, một trong những nhiệm vụ quan trọng của DN BĐS là phải giải quyết nguồn vốn để duy trì, thực hiện các dự án của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai phương án cho Quỹ tiết kiệm nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.