Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai “nhà” nỗ lực, một “nhà” thờ ơ

Nguyễn Mai| 30/08/2013 06:39

(HNM) - Theo chủ trương, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), nguồn vốn từ Nhà nước chiếm 40%, doanh nghiệp (DN) chiếm 20%, tín dụng chiếm 30% và nhân dân đóng góp 10%.

Doanh nghiệp không mặn mà

Phó chánh Văn phòng Điều phối trung ương chương trình MTQG xây dựng NTM, Nguyễn Minh Tiến, cho hay, mục tiêu đến năm 2015, cả nước có 20% xã đạt chuẩn NTM. Với 9.052 xã đang xây dựng NTM trên cả nước sẽ cần một nguồn lực rất lớn để đầu tư. Theo nguyên tắc, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ; người dân và cộng đồng dân cư phải là chủ thể xây dựng NTM trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia; quá trình xây dựng có kế thừa và lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình MTQG. Sau một thời gian tích cực triển khai, đến nay hạ tầng cơ sở ở nhiều địa phương đã được xây dựng trở thành khâu đột phá và có chuyển biến rõ nét với trên 9.000 hạng mục công trình hoàn thành, trong đó, đã nâng cấp, mở mới khoảng 38.000km đường giao thông, 15.000km kênh mương… xây dựng được 7.000 mô hình sản xuất nông nghiệp để người dân học tập, nhân rộng… Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là 30.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một thực tế là ở hầu hết các địa phương, nguồn vốn vẫn chủ yếu là ngân sách (chiếm 50%), vốn do nhân dân đóng góp chiếm 15-20% và doanh nghiệp đóng góp chỉ chiếm 5%, không đạt mục tiêu đề ra và rất thấp so với kỳ vọng làm ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng NTM... Nguyên nhân khiến các DN không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là tính rủi ro cao do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, cơ chế chính sách có nhiều bất cập…

Các doanh nghiệp rất cần cơ chế, chính sách ưu đãi để đưa công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ảnh: Thái Hiền



Theo Sở Tài chính Hà Nội, từ 2010 đến 2013, tổng ngân sách TP đã bố trí là 1.670 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình gồm: lúa hàng hóa; chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm; nuôi trồng thủy sản và 3 đề án cây ăn quả, hoa cây cảnh, rau an toàn. Ngoài ra, ngân sách TP còn bố trí hơn 1.169 tỷ đồng để thực hiện các chương trình nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (chưa kể vốn từ ngân sách huyện, xã). Người dân cũng đóng góp được khoảng 340 tỷ đồng và DN đóng góp hơn 160 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách như trên là chậm, hiệu quả thấp.

Cần chính sách mạnh hơn

Tại diễn đàn về phát huy vai trò của DN trong xây dựng NTM do Báo Diễn đàn doanh nghiệp và Văn phòng Điều phối trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM tổ chức mới đây, nhiều vấn đề về phát huy hiệu quả xây dựng NTM đã được đưa ra thảo luận. Đặc biệt là thu hút DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng, muốn phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất hoặc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thì không thể thiếu vai trò của DN. Bởi ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất hiệu quả, DN còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị và nâng cao giá trị nông sản. Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng nhận định: Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút DN vào khu vực này, song kết quả chưa như mong đợi.

Chia sẻ về những khó khăn trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Ngô Tiến Dũng, cho rằng đầu tư vào nông nghiệp gặp rất nhiều rào cản, đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm, do đó rất cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm thay đổi lối tư duy cũ trong sản xuất… Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Chuyển giao khoa học công nghệ (ATC Việt Nam) Ngô Kiều Oanh đề nghị Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin điện tử về nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhằm giúp các DN định hướng chính xác chiến lược đầu tư cũng như tạo tiền đề để hấp dẫn, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư… Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào khu vực nông thôn.

Mục tiêu hàng đầu của chương trình xây dựng NTM là nhằm phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Điều đó chỉ thực hiện được khi DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp để cùng tháo gỡ bài toán chuyển đổi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ thành nông nghiệp hàng hóa. Các DN đang cần những chính sách mạnh hơn từ phía Nhà nước để yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai “nhà” nỗ lực, một “nhà” thờ ơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.