Trưởng khoa nghiên cứu Mặt trời của Đài thiên văn Pulkovo, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - tiến sĩ Toán Lý Habibullo Abdusamatov khẳng định, từ năm 2014 Trái đất bước vào chu kỳ băng giá.
Băng giá ở Đức. Ảnh: AP |
Giáo sư Abdusamatov hiện là Chủ nhiệm dự án “Đo lường thiên văn” (Astrometry), thực chất là nghiên cứu hoạt động của Mặt trời. Ngôi sao quen thuộc này có một số chu kỳ hoạt động: chu kỳ 11 năm, đặc trưng bởi việc xuất hiện những vết đen và chu kỳ 24 năm, đặc trưng bới sự suy giảm các hoạt động. Ngoài ra còn chu kỳ 200 năm, từ năm 1990 bắt đầu bước vào giai đoạn kết thúc.
Giáo sư Аbdusamatov tìm hiểu sự liên quan giữa các chu kỳ đó với đường kính của Mặt trời. Bức xạ của Mặt trời, vốn xác định nhiệt độ của Trái đất, phụ thuộc vào đường kính của nó. Tính chu kỳ của thay đổi này cho phép phán đoán về những thời kỳ lạnh giá trong quá khứ và dự báo các thời kỳ lạnh giá trong tương lai. Theo giáo sư Abdusamatov, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ lạnh giá mà đỉnh điểm của nó là vào năm 2055.
Thời kỳ lạnh giá mới sẽ kéo dài không dưới hai thế kỷ, như báo Người đối thoạt (Nga) đưa tin. Ngược lại, những người ủng hộ thuyết Trái đất đang nóng lên lại cho rằng chính vào năm đó “Trái đất sẽ sôi như một nồi nước mà chúng ta không rút bớt củi”.
Báo Vesti.ru (Nga) còn nói thêm: Điều này chẳng có gì lạ, chỉ trong kỷ nguyên chúng ta loài người đã chứng kiến không chỉ một mà hai thời kỷ băng giá. Hiện tượng lạnh giá kéo dài mà các nhà khoa học Nga dự báo sẽ là “thời kỳ lạnh giá nhỏ” thứ năm trong 9 thế kỷ qua. Những lần có hiện tượng khí hậu tương tự đã xảy ra vào những thế kỷ XIII, XV, XVII và XIX.
Ông Abdusamatov cảnh báo, mặc dù đó là “thời kỳ lạnh giá nhỏ”, tuyệt nhiên không có nghĩa là nó diễn ra mà không cần để ý đến. Thông thường, trong mỗi chu kỳ lạnh giá đều kèm theo dịch bệnh, mất mùa cũng như sự di dân hàng loạt trên thế giới, nhà khoa học cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.