Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai mũi "giáp công" cho một mục tiêu

Thế Nguyên| 24/02/2020 06:57

(HNM) - Nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy ý chí, bản lĩnh Việt Nam để vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển trong bối cảnh tập trung phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 70 cuộc họp từ Tết nguyên đán Canh Tý đến nay. Có nghĩa là, phải thực hiện nhiệm vụ “kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa nỗ lực chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2020. Nói cách khác, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng.

Mặc dù còn cần nhiều thời gian mới có thể đánh giá hết nhưng tại thời điểm này, đã có thể nhìn thấy những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì, ngân sách chi cho Bộ Y tế tăng 517,7 tỷ đồng để phòng, chống dịch; ngành Du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD sau 3 tháng có dịch (tính đến tháng 4-2020); thị trường chứng khoán trầm lắng, nhu cầu tín dụng giảm, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ tăng; thu ngân sách năm 2020 ước tính giảm 18.000-42.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, cũng ngay từ khi có dịch, chúng ta thấy rõ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đồng tâm, nhất trí vượt khó; tin tưởng, sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong hai mũi “giáp công” (lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra, ngày 14-2 vừa qua). Đó là vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến thời điểm này, thông tin lạc quan là cả nước đã điều trị thành công 15/16 ca mắc Covid-19; đã 10 ngày liên tiếp không có ca mắc mới. Mũi "giáp công” chống dịch Covid-19 đã chứng minh được tính hiệu quả. Ở mũi "giáp công” còn lại - mặt trận phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, những tia sáng đã ló rạng trong bối cảnh khó khăn: Hoạt động xuất - nhập khẩu “nối mạch” trở lại; du lịch tiếp nhận những tín hiệu vui khi du khách quốc tế vẫn tiếp tục tin tưởng, lựa chọn Việt Nam là điểm đến…

Điều cần nói thêm ở đây là trong bối cảnh chống dịch Covid-19, các ngành Nông nghiệp, Công Thương, Du lịch đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn và ngay lập tức đưa ra các giải pháp vừa ứng phó với dịch bệnh vừa tháo gỡ khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xâu chuỗi theo chiều dài lịch sử, có thể thấy thiên tai, dịch bệnh ở không ít thời kỳ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của không riêng quốc gia nào. Với riêng trường hợp Covid-19, hậu quả thấy ngay là các bộ, ngành, địa phương phải dành thời gian, nguồn lực tài chính không nhỏ để phòng, chống; sức khỏe cộng đồng, sinh mạng con người bị đe dọa; nhịp sống hằng ngày của người dân, doanh nghiệp bị gián đoạn, ngừng trệ, thậm chí đảo lộn.

Với việc ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, tất yếu các mục tiêu phát triển, nhất là tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, yêu cầu không thể chỉ chống dịch mà lơ là nhiệm vụ duy trì sản xuất, kinh doanh đòi hỏi quyết tâm, sự sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai. Đây là yêu cầu có tính xuyên suốt trong bối cảnh phải tập trung cao độ phòng, chống Covid-19 và cả trong chặng đường còn lại của năm, đồng thời là kinh nghiệm ứng phó với những khó khăn khách quan cho những năm tiếp theo.

Để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cao như vậy, cùng với các bộ, ngành chức năng, mỗi địa phương cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh. Cùng với các cơ chế, chính sách, giải pháp có tính hỗ trợ, “gỡ khó” ở tầm vĩ mô, chính sự năng động của từng cơ quan, địa phương trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ góp phần quan trọng để cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nói cách khác, trong khi chống vi rút corona chủng mới gây ra bệnh viêm phổi cấp, chúng ta ngăn chặn luôn cả thứ "vi rút trì trệ" làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời với việc tập trung cao độ trước những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, chúng ta cũng nỗ lực ở mức cao nhất cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, duy trì nhịp sống hằng ngày trong mùa dịch. Cao hơn nữa là biến "nguy" thành "cơ", sắp xếp, tái cơ cấu, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, tìm ra những hướng đi, cách làm mới...

Có thể nói, việc tiến hành song song hai mũi "giáp công" cho một mục tiêu (bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội) là bài học, là "công thức" chung để chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng trong những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí ngặt nghèo. Trong năm 2020 và cả những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai mũi "giáp công" cho một mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.