(HNM) - Sau 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên liên tiếp không đạt được thỏa thuận nào, vòng đàm phán thứ bảy giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vừa khép lại với bước tiến quan trọng.
Dù còn nhiều việc phải làm để KCN này sớm đi vào hoạt động nhưng bản thỏa thuận 5 điểm mới nhất vừa được hai bên thông qua đã mở ra nhiều hy vọng trong nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều sau thời gian dài chìm trong căng thẳng và bế tắc.
Khu công nghiệp chung Kaesong là biểu tượng hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. |
Từng được biết đến là biểu tượng hợp tác kinh tế hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên, KCN Kaesong được thành lập năm 2004 do các công ty Hàn Quốc đầu tư 100% vốn, khoảng 900 triệu USD. Nằm cách khu phi quân sự 10km về phía Bắc trên lãnh thổ Triều Tiên, KCN chung này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà từ khi đi vào hoạt động đến nay còn mang ý nghĩa xã hội lớn, bởi nó tạo công ăn việc làm cho hơn 53.000 công nhân Triều Tiên tại 123 công ty của Hàn Quốc với mức lương khoảng 110 USD/người/tháng. Thế nhưng, quyết định đóng cửa KCN mang tính biểu tượng cao này của Bình Nhưỡng gây nhiều quan ngại khi động thái được nhìn nhận như sự cắt đứt mối liên hệ kinh tế duy nhất giữa hai miền Triều Tiên. Hành động đơn phương trên của Bình Nhưỡng không chỉ đẩy quan hệ liên Triều rơi vào căng thẳng nghiêm trọng mà còn làm tổn hại kinh tế với cả hai bên. Người Triều Tiên mất việc làm trong khi các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ USD trong hơn 4 tháng qua.
Trước sức ép ngày một lớn từ dư luận xứ Kim chi, đặc biệt các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại đây, chính quyền của nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thời gian qua liên tục đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao con thoi để Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết những bế tắc xung quanh KCN chung này. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận tránh tái diễn việc đóng cửa Kaesong, đồng thời cam kết thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào đây là bước tiến lớn mà hai bên đạt được tại vòng đàm phán thứ bảy này. Cùng với đó, cam kết thành lập một ủy ban hỗn hợp nhằm thảo luận việc bồi thường cho những tổn thất kinh tế gây ra do đóng cửa KCN cũng thể hiện rõ quyết tâm hướng về phía trước của Bình Nhưỡng và Seoul.
Giữa lúc những bế tắc trong quan hệ liên Triều liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chưa có lối thoát, việc nối lại hoạt động ở KCN Kaesong được dư luận nhìn nhận như một sự khởi đầu tốt đẹp, tạo cầu nối giữa hai miền Triều Tiên. Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, động thái tích cực trên sẽ là chất xúc tác cho các bước phát triển khác nhằm hướng tới xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ liên Triều. Với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại đây, thỏa thuận này tạo cơ hội để tiếp tục xây dựng Kaesong thành biểu tượng hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa hai miền Triều Tiên.
Vậy là sau rất nhiều thăng trầm và những căng thẳng leo thang tưởng như sẽ nhấn chìm mọi cơ hội hợp tác, mối quan hệ liên Triều đã đứng trước một tương lai mới sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt trên. Để cụ thể hóa những cam kết với cử tri Hàn Quốc rằng sẽ thúc đẩy quan hệ với Bình Nhưỡng khi nhậm chức cách đây 6 tháng, trong một phát biểu nhân dịp Quốc khánh Hàn Quốc ngày 15-8 vừa qua, nữ chủ nhân Nhà Xanh Park Geun-hye đã hối thúc Bình Nhưỡng "mở lòng" và nhất trí tổ chức một cuộc gặp vào tháng tới cho những gia đình bị ly tán nhiều thập kỷ qua bởi cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 1950-1953. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, hiện có khoảng 72.000 người Hàn Quốc, trong đó gần một nửa đã ngoài 80 tuổi vẫn đang mong chờ một cơ hội tham gia chương trình đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên mỗi chương trình chỉ hạn chế khoảng vài trăm người cao tuổi tham gia. Triều Tiên từng đã đề xuất đàm phán nối lại chương trình này cùng việc thảo luận về KCN Kaesong nhưng sau đó rút lại khi cho rằng hai vấn đề trên cần được giải quyết một cách riêng biệt.
Việc mở cửa trở lại KCN chung Kaesong thể hiện sự nhượng bộ của cả đôi bên nhằm hướng tới mục tiêu là cải thiện quan hệ liên Triều. Song thỏa thuận này không có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận mọi yêu cầu của Mỹ cũng như Hàn Quốc để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Vì thế, đây cũng sẽ là một trong những nội dung quan trọng được đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề nhân quyền Triều Tiên Robert King đặc biệt quan tâm trong chuyến công du Đông Bắc Á (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) từ ngày 19 đến 29-8 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.