Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài kịch mới: “Nước mắt đàn ông”

H.Đ| 03/03/2014 16:00

(HNMO) - Đoàn Kịch 2 - Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã nổi tiếng với biết bao chương trình Hài kịch mà ở đó các nghệ sĩ đã mang đến cho hàng triệu khán giả biết bao nụ cười.

Một cảnh trong vở diễn.


Tạo hoá cho con người hai món quà đó là nụ cười và nước mắt để dành cho những lúc hạnh phúc hay cho những lúc khổ đau. Hai món quà này luôn song hành và giúp ta cân bằng cuộc sống, chẳng ai cười mãi, chẳng ai khóc mãi, và có khi khổ đau chưa chắc ta đã khóc mà lại cười, cũng có khi hạnh phúc chưa chắc ta đã cười mà lại khóc… Cười đó mà trong lòng như khóc với bao thói nhiễu nhương của cuộc đời, cười đó mà như thấy đang khóc cho chính những trớ trêu của bản thân mình.

Ai trong đời chẳng có vài lần khóc, đàn ông cũng khóc, nhưng nước mắt của đàn ông thường khó thấy, và đôi khi nó chảy ngược vào trong. Chương trình hài kịch “Nước mắt đàn ông” sẽ không chỉ nói về mỗi chuyện của đàn ông mà thực chất là nói về cảm xúc nó sẽ mang lại cho khán giả, chúng ta sẽ cảm nhận được đâu đó những giọt nước mắt nóng bỏng lẩn khuất sau những tràng cười khi xem chương trình hài kịch này.

Tác giả Đinh Tiến Dũng đã chọn cách trình bày các vở kịch như những chương hồi trong một cuốn truyện ngắn. Nội dung các chương vẫn âm thầm móc nối với nhau dù vấn đề trong mỗi chương có vẻ chẳng liên quan gì đến các chương khác. Các tuyến nhân vật như đều chọn cho mình một con đường riêng để đi và mỗi vở kịch là một câu chuyện kể lại những lần gặp nhau của những con đường đó, và khi bước qua giao lộ đó, mỗi người lại tiếp tục hành trình trên những con đường riêng. Đạo diễn Sĩ Tiến cùng dàn diễn viên giàu kinh nghiệm của Đoàn Kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn chọn cách truyền tải cảm xúc sở trường của họ, đó là truyền tải những nụ cười, nhưng lần này công việc đó có vẻ khó khăn hơn khi họ phải đảm bảo dòng chảy cho giọt “nước mắt đàn ông” đang lẩn khuất đâu đó để cuối cùng sẽ chọn đúng thời điểm mà tuôn trào.

Bài hát “Hãy yêu nhau đi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vang lên trong vở kịch như thể một lời nguyện cầu, như thể một niềm khát khao tha thiết của những cuộc đời trong đó, những cuộc đời luôn muốn được yêu thương và hạnh phúc. Câu chuyện trong vở kịch cũng rất đời, nên dù là chuyện diễn ra trên sân khấu đấy, nhưng trong lòng mỗi người xem cũng thấy câu chuyện của đời mình, lẩn khuất đâu đó những giọt “nước mắt đàn ông” cho riêng mình.

Và khi đó chúng ta hiểu rõ hơn về đàn ông, cũng như hiểu hơn về người phụ nữ của đời mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hài kịch mới: “Nước mắt đàn ông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.