Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa lợi ích là giải pháp tốt nhất

Ðoan Trang| 18/04/2021 05:50

(HNNN) - Tiến độ cải tạo các chung cư cũ tại Hà Nội trong nhiều năm qua khá chậm chạp. Để giải quyết vấn đề này, tới đây, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và người dân về việc này.

Chỉ 1% trong tổng số 1.500 chung cư, tập thể cũ được cải tạo sau 20 năm thực hiện kế hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND phường Giảng Võ:
Ðẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư

Đa số các nhà tập thể trên địa bàn phường Giảng Võ được xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước nên đến nay hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường bị nghiêng, nứt, trần nhà bị thấm, dột... Thêm vào đó là tình trạng cơi nới, làm “chuồng cọp”, “nâng tầng”... do diện tích ở quá chật chội. Thậm chí, nhiều nơi, như nhà C8 hiện đang phải gia cố bằng khung thép. Với diện tích các căn hộ tập thể thường từ 33m2 đến 45m2/căn, cuộc sống của người dân nơi đây rất bí bách, hầu hết các hộ đều phải cơi nới để có nơi giặt giũ, phơi quần áo, nấu ăn...

Chính vì thế, UBND phường Giảng Võ và người dân rất mong thành phố đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, do gặp vướng mắc về quy hoạch nên dự án không hấp dẫn được chủ đầu tư. Cụ thể, theo quy định thì các khu tập thể nằm trong tuyến phố từ Giảng Võ đến đầu Láng Hạ sau khi cải tạo, xây mới chỉ được cao không quá 21 tầng, do vậy, các chủ đầu tư nhận thấy đầu tư thì không có lãi, hoặc lãi ít nên không nhận thầu. Chính vì thế, chúng tôi mong cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phê duyệt quy hoạch và đưa ra những quy định hợp lý, qua đó bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Trên thực tế, các nhà đầu tư phải nhận thấy có lãi thì họ mới làm. Người dân trong những khu tập thể này phần lớn đều mong muốn tái định cư tại chỗ.

Đặc biệt, tôi mong muốn các nhà quản lý đưa ra một quy hoạch tổng thể không manh mún, không chỉ nhắm vào việc cải tạo một chung cư cụ thể mà nên quy hoạch 3 - 4 chung cư vào thành một khối để tạo được diện tích sân vườn cây xanh, giao thông phù hợp, qua đó tạo cảnh quan đẹp mắt, tránh ùn tắc giao thông.

Bà Đinh Thị Thu - nguyên Tổ trưởng tổ dân phố số 6 phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội):
Mong mỏi được tái định cư tại chĩ̃

Khu tập thể Kim Liên được xây dựng từ những năm 1959 - 1960 bằng nguồn vốn ngân sách, do các kỹ sư Triều Tiên hỗ trợ thiết kế, xây dựng. Ngày đó, điều kiện xây dựng chưa được như bây giờ. Thêm vào đó, do các kỹ sư Triều Tiên hỗ trợ thiết kế, xây dựng nên cấu trúc của khu tập thể thường có bếp, nhà vệ sinh, sân chung, vì thế rất bất tiện, không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa. Cũng chính vì bất tiện nên người dân lâu dần đã cơi nới, ngăn vách để chia bếp, chia nhà vệ sinh riêng và diện tích sử dụng hiện giờ rất nhỏ. Hầu hết các gia đình đều tận dụng các khoảng không để làm “chuồng cọp” phục vụ mục đích phơi quần áo, cơi nới diện tích sinh hoạt.

Dãy nhà cũ đang xuống cấp, nay oằn mình tứ bề gánh thêm “chuồng cọp”, gây mất an toàn. Trần nhà lở loét, sùi nứt, tường bong tróc, nền gạch và bê tông sứt mẻ. Dãy B15 và B16 được xây dựng đầu tiên, hiện tại đây là hai khu cũ và xuống cấp nhất. Đường ống cấp thoát nước thường xuyên bị hỏng hóc, phải sửa chữa liên tục; đặc biệt là vào mùa mưa, nước ngấm từ trên tầng thượng xuống khiến toàn bộ các phòng ở tầng 4 bị dột nặng... Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group được cải tạo khu B và khu C của khu tập thể Kim Liên nhưng dự án đến giờ vẫn chưa được triển khai.

Là một người dân sống tại khu tập thể Kim Liên nhiều năm, tôi rất mong thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư, và rất mong được tái định cư tại chỗ. Nếu di dời, chúng tôi muốn được biết chủ đầu tư xây dựng lại các khu chung cư là đơn vị nào, thời gian di dời đến khu tạm cư là bao nhiêu lâu và lúc nào thì các hộ gia đình có thể quay trở lại nơi cư trú của mình.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Cần có những hướng dẫn cụ thể

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự án cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn các nhà đầu tư. Thứ nhất, do quy định khống chế chiều cao của các khu chung cư đã tạo ra “rào cản” đối với những doanh nghiệp muốn tham gia cải tạo chung cư cũ. Thứ hai, hiện chưa có một cơ chế hay hướng dẫn cụ thể để giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Vấn đề được cư dân các khu chung cư cũ quan tâm khi thành phố thực hiện chủ trương cải tạo là hệ số bồi thường, sự hỗ trợ và bố trí tái định cư tại chỗ khi nhà mới hoàn thành.

Tuy nhiên, việc xác định hệ số đền bù sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan là bài toán nan giải, thậm chí nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư. Đơn cử, thành phố Hà Nội đã có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ diện tích tái định cư tối thiểu với người dân, tuy nhiên, do việc thỏa thuận hệ số đền bù được giao cho doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân nên đa số doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ đều phải chấp nhận áp dụng hệ số cao hơn so với quy định. Vì thế, trong chuyện này, Nhà nước với vai trò hoạch định chính sách cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn, sát thực tế hơn nhằm tạo tiếng nói chung giữa nhà đầu tư và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa lợi ích là giải pháp tốt nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.