Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Khánh Chi| 24/04/2022 05:10

(HNNN) - Việc di dời nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học... nhằm giảm thiểu tác động về môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực nội đô Hà Nội được xem là nhiệm vụ cấp thiết. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thực hiện quá trình này vẫn chưa được như kỳ vọng. Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam:
Quy hoạch đúng, việc thực hiện cũng cần đúng

Triển khai di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, thời gian qua đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội đô Hà Nội được di dời ra ngoại thành hoặc một số địa phương lân cận. Sau khi hoàn thành công tác di dời, nội đô Hà Nội sẽ có thêm quỹ đất trống để phát triển các công trình công cộng như công viên cây xanh, trường học... Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, nhiều chung cư mới được xây dựng thay vì công viên, trường học. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp đặt nặng yếu tố kinh doanh, không mặn mà với các phương án phát triển công trình công cộng. Để đến năm 2050, nội đô Hà Nội cần đạt chuẩn “xanh”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất có được từ việc di dời các nhà máy, xí nghiệp. Muốn vậy thì cần thực hiện tốt việc này.

Quy hoạch đúng, chủ trương đúng, việc thực hiện cũng cần phải đúng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát quá trình phát triển quỹ đất trống theo quy hoạch. Ngoài ra, cần công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân được biết. Từ đó, người dân sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các quỹ đất trống theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch phải có cơ chế phối hợp đồng bộ, bảo đảm sự cân đối giữa các công trình kinh doanh với các công trình công cộng.

PGS.TS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng:
Áp lực hạ tầng đô thị từ việc chậm di dời

Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trụ sở các bộ, ngành, các trường đại học ra khỏi nội đô đã được đưa ra từ năm 1992 song đến nay thực hiện còn rất chậm. Thậm chí, nhiều bộ, ngành đã hoàn tất việc xây dựng và chuyển trụ sở sang địa điểm mới song không trả lại trụ sở cũ. Do chậm di dời các cơ sở sản xuất, trụ sở bộ ngành, các trường đại học ra khỏi nội đô nên quỹ đất được trả về cho thành phố để phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị không đủ để đáp ứng yêu cầu. Điều này không chỉ gây sự chồng chéo của các bộ, ngành do duy trì hoạt động ở cả 2 cơ sở cũ - mới, mà còn gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông đô thị.

Ảnh hưởng của việc chậm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trụ sở các bô, ngành, các trường đại học ra khỏi nội đô là rất rõ. Các hoạt động công cộng không phát triển được do số người đã quá tải trong một đô thị đã quá chật chội. Úng ngập đô thị, quá tải giao thông, ùn tắc đường tại nhiều nơi... gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị, nhìn rộng ra là ảnh hưởng đến kế hoạch, công tác phát triển đô thị của thành phố.

Tiến sĩ Vũ Duy, giảng viên Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Cái khó nằm ở câu chuyện “con gà - quả trứng”

Việc di dời các cơ quan, công sở... ra khỏi nội đô là cần thiết, vì tài nguyên đất nội thành hiện không còn đáp ứng đủ cho các nhu cầu phát triển ngày càng tăng của nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ di dời trong nhiều năm qua còn chậm, do nhiều lý do. Trong đó có lý do quy hoạch vùng di dời chưa tốt, dẫn đến việc các cơ quan ở nội đô chưa tìm được điểm đến phù hợp. Ngoài ra, cái khó nằm ở câu chuyện “con gà - quả trứng”, khi mà tất cả chỉ sẵn sàng chuyển đến địa điểm làm việc mới khi ở đó có một “hệ sinh thái” đầy đủ dịch vụ công - tư đi kèm. Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà đầu tư cũng tích cực đầu tư vào “hệ sinh thái” đó. Thứ hai, ngân sách xây dựng một loạt trụ sở mới ở các khu vực tiếp nhận còn hạn chế là một trở ngại cho việc di dời. Câu chuyện về tính minh bạch khi xử lý đất xây dựng trụ sở cũ cũng là một lý do khác khiến các cơ quan, công sở chưa mạnh dạn rời đi. Quỹ đất sau khi di dời sẽ được sử dụng cho mục đích gì, có gián tiếp làm tăng dân số cơ học nữa hay không..., đó là những câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng. Cuối cùng, việc di dời cơ quan công sở, bệnh viện, trường học... ra khỏi nội đô sẽ khả thi hơn nếu hệ thống kết nối hạ tầng nội đô với các vùng lân cận được chú trọng đầu tư, cải tạo tốt hơn nữa để hỗ trợ người dân di chuyển thuận tiện giữa các vùng, cũng như tạo điều kiện để các vùng ngoại vi thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng lõi trung tâm, như kinh nghiệm đã thấy ở các nước phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.