Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai “điểm nóng” cần giải tỏa

Anh Minh| 02/05/2011 07:07

Nền kinh tế đã đi qua 1/3 chặng đường kế hoạch năm 2011 trong bối cảnh không mấy thuận lợi. Các


Dây chuyền sản xuất tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Phương An

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp cả nước đạt hơn 270.000 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái (cao hơn chỉ tiêu 14%) thể hiện sự bứt phá mới của toàn ngành công nghiệp. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I đầu năm 2011 tăng 12,7% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là đồ uống không cồn, gốm, sứ xây dựng, xe có động cơ, các sản phẩm bơ, sữa. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp không hoàn toàn suôn sẻ bởi một số sản phẩm quan trọng có mức tăng thấp như thép tròn, dầu thực vật, kính thủy tinh, phân hóa học, giày dép… và một số sản phẩm giảm như xà phòng, ti vi, khí đốt thiên nhiên, gạch xây bằng đất nung, lốp ô tô, máy kéo, điều hòa nhiệt độ. Điều này cho thấy, hoạt động công nghiệp diễn ra "xôi đỗ", không đều.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng qua đạt 26,9 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ do một số mặt hàng chủ lực tăng mạnh, tạo ra sự vươn lên vững chắc của hoạt động xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 33,1%; giày dép tăng 26,4%; thủy sản tăng 27,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 23,7%... Kim ngạch xuất khẩu tăng cao do giá cả trên thị trường quốc tế tăng, có lợi cho hàng Việt Nam. Trong đó, có hàng loạt mặt hàng chủ lực tăng đã đóng góp thêm 2,1 tỷ USD vào kim ngạch.

Đáng chú ý là EU đang nổi lên là thị trường lớn nhất của Việt Nam, với 3,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tăng 48,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hoa Kỳ với kim ngạch nhập khẩu đạt 3,5 tỷ USD, rồi đến khối ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Việc hàng xuất khẩu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU và Hoa Kỳ - vốn là những thị trường khó tính nhất, sẽ hỗ trợ đắc lực và bù đắp cho chính hoạt động nhập khẩu từ hai khu vực này. Đây thực sự là bước rèn luyện cho DN Việt Nam nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã hàng xuất khẩu để từng bước mở rộng, nâng cao thị phần xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hiện còn tồn tại hai "điểm nóng" đáng lo ngại. Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước chỉ đạt 11,7 tỷ USD trong tổng kim ngạch (kém khối DN có vốn đầu tư nước ngoài 15,2 tỷ USD). Điều này bộc lộ rõ sức đóng góp của DN trong nước còn hạn chế, đồng thời một mặt nào đó thể hiện tình hình sản xuất và sức cạnh tranh của khối DN trong nước chậm được cải thiện. DN trong nước chưa đảm nhận được vai trò chủ đạo, dẫn hướng cho hoạt động xuất khẩu. Thứ hai, Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc, với tỷ trọng 21,7% của tổng giá trị nhập khẩu, trong khi thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN Việt Nam không phải là Trung Quốc. Điều này làm nảy sinh hiện tượng nhập siêu ngày càng lớn trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc. Đây là vấn đề có tính chất cố hữu nhưng đến nay chưa được khắc phục, mặc dù đã được Chính phủ, cộng đồng DN hai nước nhất trí tìm biện pháp từng bước cải thiện theo hướng tích cực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai “điểm nóng” cần giải tỏa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.