2 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cùng chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỷ 645 triệu đồng của Công an tỉnh Kiên Giang.
Sáng nay (25/7), Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang mở lại phiên xét xử sơ thẩm hình sự vụ án tham ô tài sản đối với bị cáo Phạm Văn Mạnh, nguyên Thiếu tá, đội trưởng Đội Tài vụ, thuộc Phòng Hậu cần – Kỹ thuật Công an tỉnh Kiên Giang và Trịnh Thị Ngọc Nhung - nguyên Đại úy, thủ quỹ đơn vị.
Trước đó, ngày 26/3/2015, TAND tỉnh Kiên Giang đã xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Văn Mạnh 17 năm tù giam, Trịnh Thị Ngọc Nhung 15 năm tù giam về tội tham ô tài sản với số tiền hơn 13 tỷ đồng nhưng sau đó TAND cấp cao tại TP HCM kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng mức án quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án và yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang xét xử lại.
2 bị cáo trước vành móng ngựa |
Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Văn Mạnh, nguyên là kế toán tổng hợp, Đội trưởng đội tài vụ, bị cáo Nhung nguyên là thủ quỹ Phòng Hậu cần – Kỹ thuật Công an tỉnh Kiên Giang. Trong thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2013, cả 2 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cùng chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỷ 645 triệu đồng của Công an tỉnh này.
Bị cáo Mạnh đã tạo ra 2 trang cuối của bảng báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương với số liệu khống để thay thế vào 2 trang cuối của báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương do Bộ Công an cài đặt nhằm chiếm đoạt tiền chênh lệch giữa số tiền thực tế và số tiền thanh toán khống. Sau đó, bị cáo Mạnh báo cho bị cáo Nhung biết số tiền cụ thể bị cáo Mạnh làm khống. Bị cáo Nhung rút tiền lương tại kho bạc cùng với nhiều khoản kinh phí khác của Công an tỉnh đem về nộp vào quỹ đơn vị.
Sau khi tiến hành xong việc cấp phát lương bằng tiền mặt cho các đơn vị trong khối an ninh, bị cáo Nhung lấy tiền khống đưa cho Mạnh. Mạnh chia đều cho cả 2 như đã thoả thuận. Số tiền có được, các bị cáo dùng để mua đất, chi xài vào mục đích cá nhân. Trong đó, bị cáo Mạnh chiếm đoạt hơn 6 tỷ 722 triệu đồng; bị cáo Nhung cũng chiếm đoạt số tiền bằng với Mạnh.
Hội đồng xét xử nhận định, cả 2 bị cáo đã bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau cùng thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Mạnh là người tổ chức, đồng thời là người thực hiện; chủ mưu và trực tiếp chỉnh sửa số liệu trong bảng báo cáo tổng hợp; Nhung là người thực hành, rút số tiền chênh lệch để chia nhau. Các bị cáo cùng phạm tội, phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền lớn nên các bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và phạm tội nhiều lần.
Tuy nhiên, do các bị cáo thành khẩn khai báo, bị cáo Mạnh đã khắc phục được hơn 4,8 tỷ đồng, còn 1,8 tỷ nhưng được bảo đảm bằng 1 căn nhà ở phường Vĩnh Lạc; bị cáo Nhung đã khắc phục hơn 6 tỷ 700 triệu đồng, nộp dư hơn 20 triệu đồng. Trong quá trình công tác, các bị cáo được tặng nhiều giấy khen, huân chương nên HĐXX cân nhắc, xem xét các tình tiết giảm nhẹ.
Sau khi thảo luận, nghị án, HĐXX tuyên bị cáo Phạm Văn Mạnh Mạnh và Trịnh Thị Ngọc Nhung phạm tội tham ô tài sản, xử phạt Mạnh 20 năm tù, tính từ ngày 25/9/2014; Nhung 18 năm tù tính từ ngày 25/9/2014. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm số 27 ngày 26/3/2015 không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vẫn có hiệu lực pháp luật./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.