Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới: Bước ngoặt

Đình Hiệp| 17/07/2015 06:25

(HNM) - Sự tán đồng chóng vánh của Hạ viện chỉ một ngày sau khi Ủy ban Đặc biệt phụ trách Luật An ninh của Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật, bất chấp sự phản đối của nhiều đảng đối lập cũng như một bộ phận dư luận của đất nước Mặt trời mọc.

Sự tán đồng chóng vánh của Hạ viện chỉ một ngày sau khi Ủy ban Đặc biệt phụ trách Luật An ninh của Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật, bất chấp sự phản đối của nhiều đảng đối lập cũng như một bộ phận dư luận của đất nước Mặt trời mọc.

Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới.


Sự kiện Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới - mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) của Nhật Bản ở nước ngoài - không gây bất ngờ tại chính quốc cũng như trong khu vực khi liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (NKP) chiếm đa số ghế tại Hạ viện. Thế nhưng, chỉ như vậy, xem ra chưa đủ để thuyết phục dư luận trong nước về sứ mệnh mới của quân đội Nhật Bản bên cạnh các đồng minh khi nổ ra chiến tranh. Theo lý giải của Thủ tướng Shinzo Abe tại họp báo sau khi Hạ viện thông qua dự luật, tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khắc nghiệt. Vì thế, dự luật an ninh mới là cần thiết nhằm bảo vệ quốc gia cũng như ngăn chặn chiến tranh. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga khẳng định, Chính phủ Nhật Bản mong muốn tiếp tục tăng cường sự hiểu biết trong công chúng về dự luật; đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ sẵn sàng "đảm nhận trách nhiệm bảo vệ sinh mạng và cuộc sống hòa bình cho người dân" trong bối cảnh hiện nay. 

Chiều 16-7, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Chúng tôi quan tâm đến thông tin này và hy vọng rằng, là một nước lớn trong khu vực, Nhật Bản sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á cũng như trên thế giới".

Theo kế hoạch, Thượng viện sẽ thảo luận thêm và dự luật sẽ được cơ quan này thông qua để chính thức có hiệu lực từ ngày 27-9, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp bị Thượng viện bác bỏ, sau 60 ngày dự luật sẽ chuyển lại Hạ viện và thành luật nếu trong lần thứ hai có ít nhất 2/3 Hạ nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Sự kiện liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ với dự luật không có nghĩa văn bản này không gặp bất cứ trở ngại nào. Cùng với sự phản đối từ các đảng đối lập, hàng trăm người dân Nhật Bản đã biểu tình ở trung tâm thủ đô Tokyo phản đối dự luật ngay sau khi Hạ viện thông qua. Những người phản đối cho rằng dự luật là vi hiến và có nguy cơ đẩy đất nước vào các cuộc xung đột không mong đợi. Trong cuộc thăm dò qua điện thoại do hãng tin Kyodo thực hiện mới đây cho thấy, có 58,7% số người được hỏi phản đối dự luật trong khi 27,8% ủng hộ. Thậm chí, cả những người ủng hộ Thủ tướng S.Abe cũng cho rằng dự luật vượt quá giới hạn của Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản - với nội dung: "Người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế".

Sự kiện Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới diễn ra vào thời điểm cách đây một năm, Chính phủ đương nhiệm thông qua một nghị quyết diễn giải lại Hiến pháp vì hòa bình; trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể để hỗ trợ đồng minh khi bị tấn công. Dự luật an ninh mới một lần nữa thể hiện rõ chính sách quốc phòng mới nhằm khẳng định vị thế Nhật Bản trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Khẳng định dự luật là cần thiết để Nhật Bản có thể đối phó với thách thức an ninh mới ngày càng phức tạp trong khu vực, Chính phủ của Thủ tướng S.Abe quyết để dự luật an ninh mới được thông qua sớm nhất có thể. Nhằm trấn an dư luận cũng như giải đáp thắc mắc từ các đảng đối lập, Thủ tướng S.Abe nhấn mạnh rằng, dự luật không phải là công cụ để Nhật Bản tiến hành chiến tranh; đây chỉ là một biện pháp ngăn ngừa xung đột có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới: Bước ngoặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.