Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ tầng trong khu đô thị: Nhiều giải pháp chống... quá tải

Dạ Khánh| 09/10/2022 06:25

(HNM) - Diện mạo đô thị Hà Nội đã có sự thay đổi rõ rệt với sự hình thành các khu đô thị mới, nhà ở chung cư văn minh, hiện đại. Song bên cạnh việc chú trọng phát triển nhà ở, nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đầu tư song hành các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến cơ sở hạ tầng bị quá tải. Để giải quyết tình trạng đó, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều giải pháp tăng cường quản lý, bổ sung các công trình công cộng tại các khu đô thị, khắc phục quá tải hạ tầng.

Nhiều dự án khu đô thị tại quận Hoàng Mai được triển khai, nhưng cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, phát triển song hành gây quá tải hạ tầng.

Thiếu hụt các công trình công cộng

Quận Hoàng Mai được thành lập từ năm 2004, trên cơ sở 5 phường của quận Hai Bà Trưng, 9 xã của huyện Thanh Trì, với dân số gần 18 vạn người. Sau 18 năm, với tốc độ đô thị hóa mạnh, dân số của quận đã tăng gấp 4 lần, với trên 70 vạn người. Dân số cơ học tăng nhanh đã đẩy quận Hoàng Mai đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là việc quá tải hạ tầng, thiếu cơ sở giáo dục, bãi đỗ xe... Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, bên cạnh 202 nhà chung cư cũ, trên địa bàn quận có 227 nhà chung cư mới xây dựng. Trong khi đó, nhiều ô đất quy hoạch trường học, bãi đỗ xe trong các khu đô thị mới lại chưa được các chủ đầu tư triển khai.

Thống kê của quận Hoàng Mai cho thấy, trên địa bàn quận mới hoàn thành đầu tư xây dựng 59/187 ô quy hoạch trường học và 3/83 ô quy hoạch có chức năng bãi đỗ xe. Trong đó, 25 ô quy hoạch trường học nằm tại các khu đô thị: Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Văn Thụ, Kim Văn - Kim Lũ chưa được chủ đầu tư dự án triển khai. Việc chậm đầu tư các công trình trường học đã gây áp lực lớn lên hệ thống giáo dục của quận. Có nơi đã phải tổ chức bốc thăm để được nhận vào học trường công lập.

Không riêng quận Hoàng Mai, qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư, có 15 dự án chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở. Điển hình như: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương, Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch Bàn…

Đâu là giải pháp?

Nhằm giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng, quận Hoàng Mai đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi các ô đất quy hoạch công trình công cộng, xã hội, bàn giao cho UBND quận quản lý, lập dự án đầu tư, đặc biệt là xây dựng trường học để phục vụ nhân dân; đồng thời, chỉ đạo các nhà đầu tư sớm hoàn chỉnh công trình trường học theo quy hoạch.

Về phía thành phố, để bảo đảm việc đầu tư các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị phù hợp với quy hoạch, đồng bộ với tiến độ xây dựng các công trình nhà ở, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, với các địa bàn còn thiếu các công trình công cộng, hạ tầng xã hội, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu và quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và các công trình công cộng khác.

UBND thành phố cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì rà soát việc bố trí các quỹ đất xây dựng công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu nhà ở đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung quỹ đất này trong trường hợp còn thiếu. Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở phải xác định cụ thể danh mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công cộng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc ngân sách; xác định cụ thể tiến độ xây dựng chi tiết, thời gian hoàn thành bảo đảm đồng bộ với các công trình nhà ở, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.

Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho biết, về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư và kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư dự án chậm triển khai công trình hạ tầng theo quy hoạch, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã. Mục tiêu là các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải được đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng phù hợp với quy hoạch và nội dung dự án được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng trong khu đô thị: Nhiều giải pháp chống... quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.