(HNM) - Ban Chấp hành TƯ đã ban hành Nghị quyết số 13 (NQ TƯ 4 khóa XI - ngày 16-1-2012), xác định hệ thống thông tin là một trong những hạ tầng quan trọng. NQ cũng nêu rõ quan điểm của TƯ Đảng coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH-HĐH đất nước.
Một điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Trần Hải |
Cũng trong năm 2012, Chính phủ đã có Chương trình hành động thực hiện NQ số 13 của Ban Chấp hành TƯ. Trong đó, giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng thông tin đến năm 2020; rà soát, đôn đốc và giám sát thực hiện các dự án phát triển hệ thống bưu chính-viễn thông (BC-VT); đề án đầu tư ứng dụng CNTT vào nhiều lĩnh vực và chương trình đầu tư nâng cao năng lực phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt trình độ quốc tế… Bộ TT-TT cũng ban hành chương trình hành động thực hiện NQ số 13 với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể.
Ở lĩnh vực VT, Bộ đề ra 7 nhiệm vụ gồm: xây dựng mạng truy nhập băng rộng; điểm cung cấp dịch vụ VT công cộng ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; truyền dẫn đường dài trong nước, quốc tế; số hóa truyền dẫn truyền hình mặt đất; hạ tầng kỹ thuật dùng chung; mạng VT dùng riêng; hệ thống thông tin chuyên dùng. Đồng thời, đưa ra mục tiêu cụ thể qua những con số ở từng mốc thời gian năm 2015 và năm 2020, kèm theo giải pháp thực hiện. Với lĩnh vực BC, chủ trương xây dựng hạ tầng mạng BC công cộng đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tiện lợi cho người dân. Bên cạnh việc duy trì sự phát triển bền vững của mạng BC công cộng, Bộ yêu cầu DN cung ứng thêm các dịch vụ BC mới nhằm tăng hiệu quả kinh doanh; định hướng sự kết hợp phát triển hạ tầng BC-VT. Cụ thể, Bộ triển khai các chương trình, dự án về xây dựng điểm cung cấp dịch vụ VT công cộng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên cơ sở tận dụng năng lực của các điểm bưu điện văn hóa xã. Hiện tại, dự án về nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam (BMGF) đã, đang triển khai tại gần 1.600 điểm bưu điện văn hóa xã với mục tiêu trang bị 5 máy tính/điểm có kết nối internet băng rộng tốc độ cao. Cùng với chương trình này, Bộ cũng chú trọng tăng cường dịch vụ cung cấp thông tin qua internet tại các điểm phục vụ để gia tăng sự tiện lợi của mạng BC công cộng đối với người dân và cộng đồng.
Định hướng phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 cho thấy, để thực hiện các mục tiêu đề ra cần có sự phối hợp của các bộ, ngành và 63 địa phương gắn với vai trò tham mưu của các Sở TT-TT, trong đó có trách nhiệm riêng của 3 TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Mục tiêu đến năm 2015, các DN "nội" có năng lực thiết kế sản xuất thiết bị thay thế dần chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế một số sản phẩm mang thương hiệu Việt đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu… Với lĩnh vực ứng dụng CNTT, thời gian qua, ngoài tiến bộ ứng dụng tại các cơ quan nhà nước, từ khâu phục vụ người dân và DN đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là về kinh phí cho các chương trình ứng dụng; không ít nơi người đứng đầu đơn vị chưa có nhận thức đúng về ứng dụng CNTT dẫn tới chưa quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động… Xin nói thêm, ứng dụng CNTT là lĩnh vực duy nhất chưa bị bội chi ngân sách từ địa phương cho đến quốc gia. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển ứng dụng CNTT, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này. Một vấn đề nữa cũng liên quan đến ứng dụng CNTT là lâu nay lĩnh vực này được xếp vào nhóm khoa học công nghệ, trong khi Bộ TT-TT là đơn vị quản lý nhà nước về CNTT. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các ngành liên quan để báo cáo Chính phủ giao Bộ TT-TT quản lý các vấn đề liên quan đến CNTT sao cho phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.