Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Xử phạt hơn 11 tỷ đồng các vi phạm VSATTP

Bảo Hân| 17/05/2016 16:31

(HNMO) - Chiều 17/5, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, lãnh đạo các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thông tin về kết quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) 5 tháng đầu năm 2016.

Hà Nội thí điểm thanh tra chuyên ngành VSATTP tại 10 xã, phường. Ảnh minh hoạ 


TS Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý vi phạm với nhiều hình thức. Tổng số đoàn thanh, kiểm tra là 766 đoàn, kiểm tra 48.899 cơ sở, phát hiện 7872 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 6227 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 488 cơ sở, phạt tiền 2736 cơ sở với số tiền phạt là hơn 11 tỷ đồng.

TP cũng đã lấy 775 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 49 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hoá học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố.

TS Hoàng Đức Hạnh cũng nêu việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, đặc biệt ở 10 xã phường thí điểm tranh tra chuyên ngành, tuy nhiên ở một số nơi còn chưa kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở.

"Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành VSATTP được triển khai từ 15/1/2015 và sẽ kết thúc 15/11/2016 với nhiều quy định, quy trình chặt chẽ; Bước đầu đã có xử phạt ở các xã phường. Quá trình thanh tra, xử lý gặp khó khăn do nhiều viên chức xã phường chưa có kiến thức, kinh nghiệm về thanh tra; một số cán bộ thanh tra làm công tác kiêm nhiệm nên khó khăn về thời gian..." - ông Hạnh nói.

Ngoài ra, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, tâm lý "làng xóm, họ hàng" làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Trả lời câu hỏi của báo giới về công tác quản lý các cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn, ông Hạnh cho biết, toàn TP có khoảng 400 cơ sở. Các cơ sở này trước khi đi vào hoạt động phải có hồ sơ và được kiểm tra, thẩm định đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... thì mới được cấp phép. Công tác hậu kiểm cũng được đẩy mạnh, nhờ đó đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm hoặc sản xuất chui.

Số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người dân về các vấn đề liên quan đến VSATTP

Sở Công thương: 1900585826

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 043 3800115

Sở Y tế: 043 998 5765
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xử phạt hơn 11 tỷ đồng các vi phạm VSATTP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.