Giữa Thủ đô Hà Nội, tại một khu đô thị mới đang xuất hiện những tấm biển chỉ đường có tên là những chữ cái và chữ số rất khó hiểu…
Ảnh: Lao Động |
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý việc những con đường mang tên khó hiểu, toàn những ký tự đặc biệt ở khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.
Theo đó, thời gian gần đây dư luận phản ánh tình trạng khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) xuất hiện nhiều tấm biển chỉ đường mang tên khó hiểu, toàn những ký tự đặc biệt như SP1, CD1, LS1… Theo nhiều người thì tên những con đường trên không có ý nghĩa và giá trị văn hóa như những con đường HĐND thành phố Hà Nội quyết định, nó còn làm khó rất nhiều người dân tìm đường, nhà ở khu vực này.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề trên.
Ảnh: Thanh Niên |
Không chỉ ở Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh hiện cũng xảy ra tình trạng nhiều tên đường phố rất oái oăm. Theo báo TN, Thành phố hiện có hơn 3.000 tuyến đường nhưng có đến khoảng 60% chưa được đặt tên. Để “chữa cháy” cho tình trạng này, mỗi quận, huyện lại đặt tên đường theo mỗi kiểu càng khiến cho tên đường trên địa bàn TP thêm rối rắm. Đơn cử như các đường phố có tên viết HT, TA, TMT 01, TMT 02 hay TMT 2A, TMT 14A (quận 12); hay đường số 5, 5A, 5B, 5C, 5D, 5F… Trong khi đó, tại Q.8, nhiều tuyến đường kết hợp giữa số và tên danh nhân, như đường 152 Cao Lỗ, 198 Cao Lỗ, 130 Cao Lỗ, 783 Tạ Quang Bửu, 817A Tạ Quang Bửu; 2 Phạm Hùng, 3 Phạm Hùng, 6 Phạm Hùng (quận Tân Bình), hay các tên.. khó đỡ như: Đường Cựu chiến binh không rác, đường Kênh nước đen, đường 10 Tây...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.