Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội xây dựng một loạt nhà máy xử lý nước thải

Tuấn Lương| 28/01/2013 06:45

(HNM) - Sau Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) hồ Bảy Mẫu và 3 trạm bơm thoát nước khu vực phía tây Thủ đô được khởi công xây dựng vào quý IV-2012, UBND TP Hà Nội đang tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài chuẩn bị thực hiện dự án Nhà máy XLNT Yên Xá. Đây là những dự án quan trọng góp phần chống úng ngập, giảm ô nhiễm các hồ nội thành, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.

Xây dựng một loạt nhà máy xử lý nước thải vì thành phố sạch, thân thiện với môi trường. Ảnh: Khánh Nguyên


Trạm XLNT hồ Bảy Mẫu chỉ là một gói thầu thuộc dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II), nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường khu vực trung tâm nội đô. Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban QLDA Thoát nước Hà Nội cho biết, trạm được xây dựng trong khuôn viên Công viên Thống Nhất với diện tích xây dựng khoảng 5.000m2 với công suất xử lý 13.300m3/ngày-đêm. Tuy nhỏ, nhưng trạm phục vụ XLNT cho một phần các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (khoảng 45.000 người) với diện tích lưu vực thoát nước lên đến 217ha. Để bảo đảm cảnh quan khu vực công viên, các hạng mục công trình XLNT được xây ngầm dưới mặt đất 13m với công nghệ xử lý hiện đại. Nước thải sau khi được xử lý sẽ được bơm bổ cập cho hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu và Ba Mẫu góp phần giảm ô nhiễm nước các hồ cũng như giảm thiểu ô nhiễm cho sông Sét.

Ba trạm bơm thoát nước Cổ Nhuế, Đồng Bông 1 và 2 (Từ Liêm) có nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm và úng ngập cho cả một vùng đô thị hóa rộng lớn ở phía tây Hà Nội. Trong hơn hai thập kỷ qua, khu vực bờ tả sông Nhuệ đã phát triển đô thị rất nhanh với việc hình thành hàng chục khu đô thị mới. Tuy nhiên, việc tiêu thoát nước tại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Điển hình trong trận mưa lịch sử cuối năm 2008, huyện Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy bị ngập rất nặng. Vì vậy, việc lựa chọn đặt trạm ở đây không chỉ nhằm giải quyết bài toán chống úng ngập trong giai đoạn trước mắt mà còn hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của TP trong giai đoạn sắp tới. Với tổng vốn đầu tư hơn 618 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Bỉ, dự án gồm các trạm bơm và công trình phụ trợ, xây mới kênh dẫn vào trạm bơm, kênh xả ra sông Nhuệ và các cửa điều tiết…

Ngay trong quá trình triển khai xây dựng trạm XLNT hồ Bảy Mẫu và 3 trạm bơm ở khu vực phía tây, UBND TP tiếp tục tập trung cho dự án xây dựng hệ thống XLNT Yên Xá TP Hà Nội. Đây sẽ là một trong những dự án XLNT lớn nhất của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Xác định được tầm quan trọng của công trình này nên Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa dự án vào danh sách dự kiến sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản năm tài khóa 2012-2013. Dự án sẽ được đặt tại xã Thanh Liệt (Thanh Trì) với diện tích 13ha, phục vụ XLNT cho khoảng 900.000 dân của 7 quận, huyện (gồm Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai và Tây Hồ). Nhà máy XLNT Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày - đêm với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 66.709 triệu yên Nhật, trong đó vốn vay ODA là 56.108 triệu yên Nhật, còn lại là vốn đối ứng trong nước, sử dụng ngân sách TP Hà Nội. Theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, dự kiến tháng 3-2013 sẽ ký hiệp định vay vốn; từ tháng 5-2013 đến tháng 4-2014 lựa chọn tư vấn; từ tháng 5-2014 đến tháng 9-2016 sẽ thực hiện 4 gói thầu thiết kế; tiếp đó sẽ đến giai đoạn đấu thầu và thi công dự án nhằm hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2020.

Việc triển khai một loạt nhà máy XLNT nhằm góp phần hướng tới xây dựng một TP sạch, đẹp, vì Thủ đô phát triển bền vững. Cùng với dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội đang triển khai rộng khắp trên địa bàn, sau khi các dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, người dân Hà Nội sẽ không còn bị ám ảnh bởi chuyện úng ngập trong mùa mưa bão. Về công nghệ, TP ưu tiên lựa chọn những công nghệ hiện đại của nước ngoài phù hợp với điều kiện Hà Nội. Ngoài các dự án trên, TP sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy XLNT Yên Sở; xây dựng các nhà máy XLNT: Đầm Bẩy - Hồ Tây; Phú Đô; tây Hồ Tây; Hà Đông giai đoạn 1; Sơn Tây giai đoạn 1. Cùng với đó là các dự án cải tạo, chống ô nhiễm các hồ nội thành… Để triển khai hiệu quả các dự án này, TP sẽ huy động các nguồn vốn vay ODA, vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng một loạt nhà máy xử lý nước thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.