LTS: Ngày 16-1-2012, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng (khóa XI)
LTS: Ngày 16-1-2012, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số
12-NQ/TƯ - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Là Đảng bộ có quy mô lớn nhất, đảng viên chiếm gần 1/10 tổng số đảng viên của cả nước, kết quả thực hiện của Hà Nội sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự chuyển biến cho toàn Đảng. Thể hiện quyết tâm gương mẫu trước cả nước, Đảng bộ TP Hà Nội sẽ chủ động, sáng tạo trong việc quán triệt và thực hiện nghị quyết. Báo Hànộimới tổ chức loạt bài phản ánh quyết tâm cũng như hành động của Đảng bộ TP hưởng ứng và thực hiện nghị quyết quan trọng này.
BÀI 1: Nghị quyết 12-NQ/TƯ cần được truyền tỏa, thấm sâu với tinh thần mới
Để cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn thể đảng viên trong Đảng bộ Hà Nội nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nghị quyết, từ đó có hành động thiết thực, tạo chuyển biến trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 12-NQ/TƯ có ý nghĩa quyết định. Báo Hànộimới vừa có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Quang Lợi, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy về kế hoạch đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi.
+ Nghị quyết 12-NQ/TƯ "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vừa ban hành đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên (ĐV) và nhân dân Thủ đô. Đồng chí có cảm nhận như thế nào về nghị quyết này?
- Nghị quyết này có tầm quan trọng đặc biệt, đưa ra ở thời điểm hết sức cần thiết. Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, được thể hiện mạnh mẽ trong nghị quyết, theo đúng lời huấn thị của Bác Hồ: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Vào thời điểm đang có những biến động chính trị - xã hội lớn trên thế giới, những thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi cấp bách nâng tầm lãnh đạo của Đảng lên nấc mới. Đảng đặt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn ở vị trí then chốt, tức là vừa giải quyết yêu cầu cấp thiết, nóng bỏng trước mắt vừa vì bền vững, lâu dài. Vì thế, nghị quyết cần được truyền tỏa và thấm sâu với tinh thần mới. Dịp Tết vừa rồi, đến đâu cũng thấy bàn đến chuyện xây dựng Đảng. Tôi nghĩ, đó là dấu hiệu đáng mừng! Nhân dân vẫn giữ niềm tin vào Đảng, coi công việc của Đảng liên quan thiết yếu đến đời sống mình và mong muốn Đảng lớn mạnh, ưu việt hơn.
+ Nhưng trong dư luận xã hội, có thể vẫn còn những băn khoăn, những cách bày tỏ quan điểm khác, đồng chí nghĩ gì về điều này?
- Đây đó vẫn không ít những ý kiến lo ngại, tập trung ở hai xu hướng. Thứ nhất, xu hướng cho rằng lần này nếu làm không tốt, thiếu nghiêm túc, sẽ làm cho Đảng giảm uy tín. Nói thế là bi quan, gây sức ép quá mức cần thiết, dễ làm cho tiến trình này quá căng thẳng, dễ nảy sinh hiện tượng lợi dụng để đấu đá nội bộ, công kích nhau, gây mất đoàn kết. Xu hướng này trái tinh thần chỉ đạo của TƯ Đảng và mong muốn của đông đảo nhân dân. Xu hướng thứ hai, coi đợt học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết lần này sẽ chẳng mang lại kết quả gì rõ rệt. Cả hai xu hướng này đều cần nhận biết, chấn chỉnh kịp thời.
+ Vậy theo đồng chí, đòi hỏi của nghị quyết đối với từng cán bộ, đảng viên là gì?
- Nghị quyết đã nhìn thẳng vào sự thật, nên trọng tâm là phát huy tự phê bình và phê bình. Ngoài những hội nghị có tính phổ biến chung, việc học tập, sinh hoạt tại các chi bộ rất quan trọng. Tinh thần tự phê bình và phê bình lần này cần cởi mở, thẳng thắn, chân thành, xây dựng và giúp nhau tiến bộ. Bên cạnh việc phổ biến quán triệt nghị quyết, các cấp ủy đều phải chú trọng xây dựng chương trình hành động của tổ chức đảng (TCĐ) và của cán bộ, đảng viên. Chúng tôi đề nghị, mỗi cán bộ, ĐV sẽ viết một bản thu hoạch, theo hai nội dung: Qua đợt học tập, tiếp thu, nhận thức được gì, từ đó xây dựng chương trình hành động của cá nhân. Các TCĐ, trực tiếp là chi bộ, có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát, giúp ĐV thực hiện nội dung đã đặt ra, nhất là những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.
+ Tham mưu cho Thành ủy triển khai công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tuyên giáo, với nghị quyết này, ngành Tuyên giáo đã có kế hoạch gì, thưa đồng chí?
- Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu, đề xuất với Thường trực Thành ủy kế hoạch quán triệt và thực hiện nghị quyết. Chúng tôi đề nghị thành lập một ban chỉ đạo, một ban tổ chức của cấp ủy và một bộ phận thường trực ở ban tuyên giáo các cấp để theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức, đánh giá, nhận xét chất lượng đợt học tập ở các cấp. Ban tổ chức có trách nhiệm thu bài thu hoạch của đảng viên, đọc và xếp loại, báo cáo cấp trên.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tổ chức một lớp dành cho khoảng 1.000 cán bộ chủ chốt cấp TP để quán triệt 3 nội dung: Nghị quyết 12-NQ/TƯ, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và 9 chương trình công tác của Thành ủy. Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ trực tiếp tổ chức 4 hội nghị cho đội ngũ báo cáo viên; báo chí; văn nghệ sỹ; các nhà khoa học, trí thức, nhân sỹ. Các cấp ủy sẽ tổ chức các hội nghị ở cấp mình. Trên cơ sở nhận thức rõ 3 nội dung này, các cấp ủy đề ra chương trình hành động chung để thực hiện nghị quyết.
Hơn nữa, thế mạnh Hà Nội là trung tâm văn hóa, thông tin báo chí nên sẽ phát huy mức cao nhất hiệu quả báo chí, truyền thông khi phổ biến, quán triệt nghị quyết này với tinh thần chủ động, đi trước một bước. Từ mấy tuần nay, báo chí Hà Nội, đi đầu là Báo Hànộimới với loạt 13 bài chính luận tạo dư luận tốt, Báo Kinh tế - Đô thị, Đài PTTH Hà Nội, đã vào cuộc khẩn trương, thiết thực. Tới đây, chúng tôi đề nghị các báo tổ chức chuyên trang, chuyên mục, làm bền bỉ, thường xuyên với tinh thần đổi mới, cải tiến nội dung, đưa thông tin thiết thực nhất. Bên cạnh loạt bài có tính chính luận, sẽ tổ chức tọa đàm, diễn đàn nhằm tập hợp đa dạng ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng Đảng. TP sẽ sử dụng hiệu quả hệ thống báo cáo viên; chỉ đạo các cơ sở sử dụng hệ thống thông tin cơ sở các xã, phường, tổ dân phố nhằm dấy lên trong toàn Đảng và xã hội tinh thần học tập, quán triệt nghị quyết một cách sống động. Điều quan trọng nữa, tôi muốn nhấn mạnh, học tập nghị quyết đồng nhất việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn mật thiết với nhiệm vụ kinh tế - xã hội, kết hợp thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và 9 chương trình công tác của Thành ủy.
+ Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo luôn phải đổi mới tham mưu kịp thời cho cấp ủy giải quyết các vụ việc bức xúc. Yêu cầu này đặt ra nhiệm vụ gì cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo Thủ đô?
- Vấn đề lớn trong xây dựng Đảng là quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng này cũng nhằm củng cố mối quan hệ đó. Nếu xây dựng hài hòa, chăm chút tốt quan hệ "cá với nước" thì sức sống của Đảng sẽ trường tồn. Đảng vẫn còn sống ở trong dân, vẫn dựa được vào dân, và dân còn nuôi sống Đảng, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống thử thách cam go ngặt nghèo đến đâu, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ vẫn được khẳng định và nêu cao. Đây là vấn đề cốt tử!
Thời gian qua, Hà Nội đã giải quyết dứt điểm nhiều "điểm nóng", trước hết do làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, lấy thuyết phục là hàng đầu. Thế mới có chuyện đường Vành đai 3, suốt 8 năm liền ách tắc đã giải quyết ổn thỏa chỉ 4 ngày mà không phải cưỡng chế ai. Nhờ TP và quận, phường đã kiên trì tuyên truyền, giải thích để người dân tự nhận thức họ cần làm gì, đóng góp gì. Đối với một loạt các dự án, trong đó có: Khu du lịch quốc tế trên đất Trại bò sữa giống ở Ba Vì, Trung tâm thương mại tại chợ 19-12, Khách sạn SAS, 10 sân gôn..., với thái độ cầu thị, tính đến lợi ích chung của cộng đồng, của dân, lãnh đạo TP đã xem xét để điều chỉnh hoặc đình lại, được dư luận rộng rãi đồng tình. Thời điểm này, một số vướng mắc, bất cập nảy sinh từ việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học, từ việc xóa các điểm trông giữ xe tại 262 tuyến phố đang được các cơ quan chức năng và lãnh đạo TP xem xét, bổ sung, điều chỉnh. Tôi nghĩ, mỗi chủ trương đưa ra phải nhằm phục vụ cộng đồng xã hội, vì sự phát triển của TP chứ không chỉ để tạo thuận lợi cho nhà quản lý mà lại đẩy hết khó khăn cho người dân.
Để tham mưu kịp thời cho cấp ủy giải quyết các vụ việc bức xúc, củng cố niềm tin của nhân dân, thời gian qua ngành Tuyên giáo Thủ đô đã thực hiện phương châm: "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thuyết phục, hiệu quả". Phải linh hoạt chứ không thể bó cứng, thấy không phù hợp mà không dám sửa. Cái tốt, cái đúng thì cần được bảo vệ phát huy; cái xấu, cái sai phải bị vạch trần, ngăn chặn. Nếu công tác chính trị, tư tưởng cứ một chiều, giáo điều, áp đặt thì thuyết phục được ai; hẳn nhiên phải linh hoạt, sáng tạo.
+ Và như thế, công tác tuyên giáo cũng phải nêu cao tính chiến đấu?
- Nêu cao tính chiến đấu không có nghĩa là lúc nào cũng quyết liệt, đao to búa lớn. Hiệu quả thực sự của công tác tuyên giáo chính là ở tính thuyết phục. Cách góp ý cũng cần tinh tế, không phải hễ thấy thiếu sót là phê bình vỗ mặt ngay trước tập thể. Cán bộ tuyên giáo của Thủ đô cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệt tình, trách nhiệm, song tính chủ động, nhạy bén, sắc sảo còn có phần hạn chế. Phương châm "Chủ động, sáng tạo, linh hoạt, thuyết phục, hiệu quả" chưa được thể hiện rõ ở mọi cấp, mọi khâu... Vẫn còn những cán bộ "hành chính hóa" hoạt động tuyên giáo. Nhưng tôi tin, với nhận thức và quyết tâm mới, hoạt động của hệ thống tuyên giáo Thủ đô sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn, đạt hiệu quả hơn. Hy vọng kết quả khả quan sẽ được biểu lộ ngay trong quá trình tham mưu và triển khai học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TƯ.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.