(HNM) - Thời hạn xóa lò gạch thủ công, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đã qua hơn 2 tháng, nhưng hiện vẫn còn hàng trăm lò gạch hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Lò gạch vẫn nhả khói
Hà Nội còn gần 1.000 lò gạch thủ công đang hoạt động.
Chứng kiến nhiều ngôi nhà phủ bụi, cây cối xung quanh vàng úa, chúng tôi tin việc người dân sinh sống tại khu vực cảng Tiên Tân, xã Hồng Hà (Đan Phượng) phản ánh bị ảnh hưởng của khói lò gạch thủ công là sự thật. Tại đây, có hai lò gạch tồn tại khá lâu, nằm sát khu dân cư đang nhả khói nghi ngút. Mỗi lần lò đỏ lửa, dân khốn khổ vì phải hít thở bầu không khí ngột ngạt cùng sức nóng từ các lò gạch xả ra. Đã nhiều lần, người dân phản ứng với chủ lò, kiến nghị với chính quyền, nhưng lò vẫn hoạt động. Cách đó không xa, ở khu vực bãi giữa sông Hồng, gần 130 lò gạch thủ công nằm trên địa phận xã Hồng Hà và Liên Trung ngày đêm nhả khói trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29-6-2010 của UBND TP Hà Nội về việc "Tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn thành phố Hà Nội và triển khai thực hiện chương trình Phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ" tại các địa phương là quá chậm. Đến hết ngày 31-12-2010, toàn thành phố còn 900 lò gạch thủ công hoạt động, trong đó, huyện Sóc Sơn có hơn 200 lò, Phúc Thọ gần 200 lò, Thạch Thất, Đan Phượng mỗi huyện còn hơn 120 lò, Ba Vì 90 lò… Ông Nguyễn Nghiêm Định, chuyên viên Phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, chưa có thống kê cụ thể, song chắc chắn là số lò gạch thủ công được xóa bỏ chưa đáng là bao so với số lò còn đỏ lửa. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chức năng có công văn đôn đốc các địa phương song việc xử lý rất chậm, nhiều địa phương chần chừ, không quyết liệt.
Khó khăn trong xử lý
Ai cũng biết rõ tác hại từ khói lò gạch thủ công đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân. Trước khi có Chỉ thị 15 của TP, nhiều quận, huyện, thị xã đã tổ chức cưỡng chế, giải tỏa lò gạch thủ công nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Tại xã Liên Trung (Đan Phượng) năm 2008 và 2009, UBND xã đã tổ chức các đợt cưỡng chế giải tỏa lò gạch, nhưng hiện nay vẫn còn 40 vỏ lò. Ông Nguyễn Văn Hội, cán bộ UBND xã Liên Trung cho rằng, có sự chậm trễ nói trên là do xã phải chờ phân định lại mốc giới khu vực giáp ranh giữa huyện Đan Phượng với huyện Mê Linh; thiếu kinh phí giải tỏa; tài sản giải tỏa quá lớn, nhiều trường hợp xã không đủ thẩm quyền xử lý.
Theo Sở Xây dựng, việc xóa lò gạch thủ công trên địa bàn TP gặp khó khăn trước hết là do nhu cầu về gạch nung trên thị trường quá lớn, trong khi đó các lò gạch không nung và tuynel chưa đáp ứng được nguồn cung. Hiện nay, năng lực của 41 lò tuynel, 8 lò cải tiến có ống khói cao, xử lý khói lò trên địa bàn thành phố trong vòng 1 năm mới làm ra được 994,5 triệu viên (sản lượng gạch nung là 1.256 triệu viên/năm) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng. Vì lợi ích cá nhân, nhiều chủ lò không chịu xóa bỏ lò gạch, thậm chí, có địa phương còn cho gia hạn xóa lò gạch thủ công đến hết năm 2011 với lý do giải quyết là để việc làm cho lao động địa phương. Một số nơi có truyền thống sản xuất gạch ngói thủ công như Sóc Sơn, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, mặc dù chính quyền địa phương đã tỏ ra có cố gắng nhưng chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, tuyên truyền chưa sâu sát khiến dân "nhờn" luật. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng thừa nhận, việc xóa lò gạch thủ công vẫn "dậm chân tại chỗ" có phần trách nhiệm của huyện, nhưng chủ yếu là do trách nhiệm của chính quyền cấp xã còn kém.
Tại nhiều địa phương, lãnh đạo xã đã buông lỏng quản lý đất đai, để các HTX, các tổ đội tự ký hợp đồng thầu khoán đất trái thẩm quyền và sử dụng sai mục đích. Thời gian thầu khoán chưa hết nên chính quyền chưa "mạnh tay". Bên cạnh đó, cấp huyện cũng thiếu quyết liệt, đơn cử như tại huyện Phúc Thọ, thời hạn xóa lò gạch thủ công theo quy định đã qua hơn 2 tháng nhưng địa phương không những không xóa mà còn gia hạn thêm cho các lò thủ công tiếp tục sản xuất…
Để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này, các địa phương cần sớm nghiên cứu, quy hoạch và đầu tư xây dựng các vùng sản xuất gạch bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và khuyến khích các chủ lò chuyển sang dùng lò tuynel, lò cải tiến có hệ thống xử lý khí thải. Với những trường hợp cố tình không tháo dỡ lò gạch thủ công, chính quyền cần kiên quyết cưỡng chế; quy trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp cơ sở…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.