(HNM) - Ngày 10-3, đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và giảm quá tải bệnh viện.
Đến hết năm 2014, toàn thành phố có 5,08 triệu người có thẻ BHYT (71,6% dân số Thủ đô). Năm 2014, Hà Nội đã bảo đảm quyền lợi cho hơn 7,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí hơn 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2015, quá trình triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung trên địa bàn thành phố đã phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, chẳng hạn: Với trường hợp bệnh nhân được cơ sở khám chữa bệnh BHYT viết giấy chuyển tuyến để thực hiện xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh do cơ sở ban đầu không thực hiện được kỹ thuật đó, hiện chưa có phương thức thanh toán cụ thể nên quyền lợi của bệnh nhân bị ảnh hưởng; ngoài ra, còn có một số vướng mắc về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với một số cơ sở y tế, việc bảo đảm quyền lợi đối với trường hợp khám chữa bệnh sản khoa có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh…
Riêng về việc triển khai thực hiện BHYT theo hộ gia đình, theo quy định của Luật BHYT thì UBND xã/phường có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có kinh phí hỗ trợ nên việc triển khai gặp khó khăn. Đa số quận, huyện, thị xã chưa thể thống kê chính xác số dân trên địa bàn đã có thẻ BHYT nên việc xây dựng lộ trình cụ thể cho từng năm chưa sát thực tế.
Đặc biệt, theo quy định của Luật BHYT thì đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình phải đủ 100% thành viên có tên trong cùng hộ khẩu thường trú, tạm trú. Tuy vậy, quá trình triển khai thực tế cho thấy nhiều người đã tham gia BHYT tự nguyện, nay thẻ hết hạn, muốn tham gia tiếp nhưng không đủ điều kiện do các thành viên khác không muốn tham gia hoặc không có điều kiện tham gia...
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cam kết thành phố sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng điều trị, nâng cao vị thế của ngành y tế Thủ đô, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Hà Nội đề xuất Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tính toán, hướng dẫn và cho phép Hà Nội thực hiện một số chính sách BHYT phù hợp với đặc thù của Thủ đô, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Theo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 78% và đến năm 2017 đạt 80,5%, đến năm 2020 đạt 85%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.