Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tự tin bước vào năm học mới

Thống Nhất| 26/08/2021 06:14

(HNM) - Dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục Hà Nội vẫn quyết tâm tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022 vào sáng 5-9. Chung sức vượt khó, hỗ trợ tối đa cho học sinh và đồng lòng, tự tin bước vào năm học mới, không để những khó khăn của dịch làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học là quyết tâm của các trường học.

Cô giáo Nguyễn Thu Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) họp trực tuyến cùng các thầy cô trong tổ 1 bàn kế hoạch dạy học online cho học sinh lớp 1 năm học 2021-2022. Ảnh: Minh Đức

Quyết tâm vượt khó

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Hà Nội có hơn 2,1 triệu học sinh mầm non và phổ thông. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với kinh nghiệm đã triển khai qua nhiều đợt dịch bùng phát, các trường học trên địa bàn toàn thành phố đã chủ động phương án dạy học, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đều xác định tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, các đơn vị, trường học đều quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn, để khắc phục những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1, trước tiên, nhà trường sẽ tổ chức chương trình trực tuyến chào đón học sinh để tạo sự gần gũi, có lồng ghép những lời dặn dò; từng giáo viên chủ nhiệm bàn bạc kỹ với phụ huynh học sinh để xác định thời gian học, biện pháp hỗ trợ cần thiết. Căn cứ thực tế, nhà trường sẽ dành từ 1 đến 2 tuần đầu để học sinh làm quen với nền nếp, cách tương tác với cô, với bạn, sau đó mới triển khai kế hoạch học tập, ưu tiên thực hiện nội dung theo phương châm "dễ trước, khó sau".

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Liên Hồng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Chững, trước mối lo lắng của học sinh về nguy cơ khó có đủ sách giáo khoa trong bối cảnh toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương về phương án cung ứng để bảo đảm tất cả học sinh của trường đều có đủ sách trước ngày khai giảng. Nhà trường chuyển sách giáo khoa tới các chốt kiểm dịch tại từng thôn, xóm, rồi thông báo cho phụ huynh học sinh đến nhận.

Em Trương Đức Dũng, học sinh vừa trúng tuyển lớp 10 Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên) chia sẻ: "Đây là năm học đầu tiên của em ở trường mới, dù chưa được đến trường gặp bạn mới, song em cũng cảm thấy còn may mắn vì không bị gián đoạn việc học. Em sẽ cố gắng để học trực tuyến đạt kết quả tốt".

Không để học sinh nào ở lại phía sau

Đến lúc này, tổ chức dạy học trực tuyến không còn là việc mới đối với các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, cuộc sống nhân dân có nhiều khó khăn, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục coi trọng việc bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, hỗ trợ tối đa, không để học sinh nào ở lại phía sau.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh thông tin, phòng đã chỉ đạo 40 trường học công lập ở cả ba cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) tạo điều kiện tiếp nhận những học sinh không phải người địa phương, nhưng đang cư trú trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà chưa thể về nơi thường trú. Căn cứ theo lứa tuổi, các nhà trường sẽ tiếp nhận, xếp lớp và hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng, thiết bị học tập, bảo đảm để học sinh có thể học tập trực tuyến.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay, là địa bàn xa trung tâm, số lượng trường học lớn (112 trường), tỷ lệ học sinh hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 5%. Trước thực trạng vẫn còn nhiều học sinh chưa có đủ thiết bị học tập để học trực tuyến, phòng đã chỉ đạo các nhà trường phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh học sinh và huy động từ nguồn xã hội hóa. Theo đó, các trường đã quyên góp được 168 chiếc điện thoại thông minh, 47 máy vi tính, 15 chiếc ti vi… Các trường trên địa bàn huyện cũng đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ các trường học của quận Ba Đình về máy tính, máy chiếu…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh; tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh, kể cả lớp 1; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên về phương pháp dạy học, đánh giá, kỹ năng xây dựng bài giảng trực tuyến để dạy học hiệu quả hơn năm trước.

“Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho học sinh, việc học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất và có thể phải triển khai lâu dài trong năm học 2021-2022, vì vậy, phụ huynh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh kỹ năng học trực tuyến; đồng thời, các nhà trường tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập, sách giáo khoa… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con của gia đình chính sách…, tuyệt đối không được bỏ quên học sinh nào”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tự tin bước vào năm học mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.