(HNM) - Dù đã bước qua những khó khăn của năm 2013 nhưng nhiều thách thức vẫn còn đó. Lịch sử hơn 1000 năm đã chứng minh rằng, ngay cả những giai đoạn nguy nan nhất, người Thăng Long - Hà Nội vẫn bình tĩnh, tin vào điều tốt đẹp sẽ đến.
Cách đây mấy năm, tôi quen một nhà giáo nghỉ hưu, cứ tối thứ bảy, ông mang chiếc cân ra ngồi thu mình cạnh tháp Hòa Phong bên hồ Hoàn Kiếm, Ai cân ông lấy hai nghìn. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng đỡ được đôi chút cho vợ chồng già chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi. Đêm Noel vừa rồi, bất ngờ gặp lại ông, vẫn chiếc cân ngày nào ngồi trước cửa nhà Bưu điện. Một ông già ngồi cân sức khỏe trong ngày đông rét buốt làm tôi nhớ đến chuyện cổ tích "Cô gái bán diêm" của Andersen. Lạ thay, ông không than vãn. Ông cười, nụ cười bình thản giữa trời đông dưới mười độ và tôi hiểu thông điệp của ông: Xin đừng thương hại. Hỏi ông thời buổi kinh tế khó khăn ông bà sống thế nào, ông nói: "Rửa rau xong thì dùng nước đó vo gạo, chương trình nào thích mới bật ti vi, sáng không ăn phở mà ăn mì gói, mỗi thứ một tý nên cũng tàm tạm cậu ạ". Không chỉ ông, tiết kiệm đang được nhiều người Hà Nội có thu nhập thấp áp dụng. Đó là một cách vượt qua thời điểm khó khăn.
Thủ đô rực rỡ trước thềm năm mới. |
Vào một ngày giữa tháng 12, mây mù che lấp những ngọn núi Ba Vì huyền thoại. Rét và mưa, tê tái hơn nội đô. Tôi đến Tòng Bạt, xã đang triển khai dự án nuôi giống bò BBB F1, một giống bò thịt của Bỉ lai với bò Sind không chỉ cho năng suất cao mà thịt mềm, thơm ngon hơn nhiều so với giống bò trong nước vốn đã bị thoái hóa. Hỏi chuyện những người nuôi giống bò này, ai cũng phấn khởi vì nó giúp họ có thể tăng thêm thu nhập. Không phấn khởi sao được khi cuộc sống của họ được cải thiện nhờ dự án thiết thực của thành phố lo cho người nông dân và diện mạo nông thôn mới đang rõ nét hơn.
Lâu nay, khi bàn tán về giá cả, người Hà Nội thường lấy giá phở để rồi quy chiếu với giá hàng hóa khác. Với các chuyên gia kinh tế nước ngoài, dùng giá phở để nhận định về cuộc sống nghe hài hước. Nhưng với người Hà Nội, nó rất dễ hiểu và cũng rất thực tế. Phở là quà sáng bình dân cho số đông người Hà Nội. Khi giá phở tăng nghĩa là giá các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng hoặc đồng tiền mất giá. Khi bà bán phở than ế nghĩa là cuộc sống khó khăn. Thế nhưng giá phở năm 2013 không tăng, số người chọn phở là quà sáng có giảm nhưng không nhiều. Lý do rất đơn giản, nếu tăng giá, số người ăn sẽ giảm nhiều hơn nên các bà giảm bánh, giảm thịt và giữ nguyên giá. Thế là được cả hai. Các bà bán phở tồn tại, người thu nhập thấp vẫn có thể ăn thứ quà dễ ăn này.
Hồ Gươm trở thành trung tâm của Hà Nội khi người Pháp quy hoạch khu vực này. Nơi đây không chỉ là địa điểm diễn ra các sự kiện lớn của Thủ đô mà còn là chỗ vui chơi, thư giãn thường ngày của người dân. Không ai đang buồn thắt ruột lại ra chỗ vui để chơi. Những năm 1960, nó còn là nơi tìm đồng hương của người miền Nam tập kết, người các tỉnh thành về Hà Nội học tập và công tác. Sáng chủ nhật, họ đi quanh hồ thế nào cũng tìm được nhau. Vì là trung tâm nên Hồ Gươm được ví như hàn thử biểu đo tâm trạng tinh thần của người Hà Nội. Hà Nội bây giờ không thiếu trò vui chơi, giải trí nhưng những ngày nghỉ trong suốt năm 2013, Hồ Gươm vẫn nườm nượp người, đủ lứa tuổi. Điều đó cho thấy cuộc sống khó khăn nhưng người Hà Nội vẫn lạc quan. Ông giáo già bảo, lâu rồi không thấy cảnh thanh niên tụ tập đua xe vào thứ bảy. Ông nói đúng vì thứ bảy nào ông chẳng ở đây.
Trong cuốn "Vũ Trung tùy bút" của danh sĩ Phạm Đình Hổ viết về Hà Nội cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, giai đoạn Nguyễn Ánh dần chiếm ưu thế rồi đánh bại quân Tây Sơn. Gần 800 năm liên tục là dân kinh đô bỗng nhiên trở thành dân tỉnh khiến tâm trạng dân Thăng Long tan nát, về chuyện đó ông đã viết đại ý là: Khó khăn có khi do ta mà cũng có khi do người, nhưng đáng trách là ta cứ ngồi than vãn, thay vì ngồi kêu sao không vận trí tìm lối mà đi. Khó khăn trong năm 2013 khác với thời kỳ đó nhưng Hà Nội biết vậy tự thích nghi, tự tìm lối ra vì kêu than cũng chẳng ích gì.
Cuối năm 2012, sự thực nhiều người vẫn bi quan. Các chủ trương và văn bản Chính phủ ban hành để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do có độ trễ nên đầu năm 2013, giá vàng có lúc lên chót vót, lãi suất ngân hàng còn cao, hàng hóa của nhiều doanh nghiệp vẫn tồn kho. Bất động sản ở các phân khúc ế ẩm nhưng sang quý III, mọi chuyện khá hơn. Và quý IV sáng sủa hơn quý III, rồi tổng kết cả năm, chưa thể hân hoan nhưng Hà Nội không phải thở dài. Nói thế không có nghĩa năm 2014 đã dễ dàng. Những cửa hàng ở đoạn giữa phố Lê Thái Tổ vẫn còn bỏ trống. Siêu thị hàng hiệu Tràng Tiền Plaza chỉ có người ngắm. Nỗi lo Tết này thực phẩm không an toàn len vào mâm cơm vẫn lơ lửng.
Năm 2014, theo âm lịch là năm con ngựa. Ngựa là biểu tượng của mặt trời thuộc dương hỏa - tượng trưng cho sức nóng. Vì thế, giờ nóng nhất trong ngày là giờ Ngọ và tháng nóng nhất trong năm (tháng 5 âm lịch) cũng là Ngọ. Ngựa còn tượng trưng cho sự nhanh nhẹn và sức mạnh, vì thế mới có câu "Thời gian trôi như bóng câu (ngựa) ngoài cửa sổ". Và lạ thay không có tỉnh thành nào trên đất Việt Nam lại có tới hai truyền thuyết về ngựa như ở Hà Nội. Đó là truyền thuyết chàng trai làng Phù Đổng cưỡi ngựa đánh tan giặc Ân và đền Bạch Mã thờ thần Bạch Mã (ngựa trắng) ở phố Hàng Buồm.
Nói về thành công, người xưa có câu "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Hiểu nôm là năm 2014 là năm thuận lợi cho Hà Nội, Hà Nội rộng hơn từ khi mở rộng, có vùng đất cao có nơi đất thấp, có sơn có thủy và sông Tích khởi nguồn từ Ba Vì, sông ôm lấy núi là quá địa lợi. Nhưng người lại nói thêm "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa" (thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người). Có nhân hòa sẽ làm được nhiều chuyện và chỉ có bậc đại trí, đại nhân mới có nhân hòa.
Nếu người dân cố gắng tự vượt qua gian khó như ông giáo già, như các bà bán phở; chính quyền các cấp vì dân hơn nữa và cán bộ thì tu chỉnh bản thân nhiều hơn vì cái chung, vì con người thì năm 2014, không có lý do gì Hà Nội không vượt qua khó khăn. Và cũng không có lý do gì Hà Nội lại không đạt được những mục tiêu đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.