Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Hiền Thu - Ảnh: Xuân Hải| 15/04/2021 09:50

(HNMO) - Sáng 15-4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và 13 quận, thị xã.

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Ánh Dương cho biết, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP gồm 6 chương, 33 điều. Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Nghị định gồm các nội dung: Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND phường; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác…

Đáng chú ý, Nghị định quy định biên chế công chức phường thuộc biên chế công chức thuộc UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường, trưởng công an phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường và các công chức văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Nghị định cũng quy định trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, các công chức khác của phường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, Nghị định cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Quán triệt, làm rõ thêm về Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình soạn thảo Nghị định, ban soạn thảo ghi nhận thành phố Hà Nội đã rất quan tâm vấn đề này. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, trí tuệ, làm nên những điểm ưu việt của nghị định. Điển hình như Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định, “biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người” (tính trên tổng số phường của một quận, thị xã); hay quy định “chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường”. 

Tương tự, quy định có trưởng công an phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự trong cơ cấu tổ chức của UBND phường cũng là sự tiến bộ, vượt qua trở ngại về tư duy cũ. Đáng chú ý, để phục vụ nhân dân nhanh nhất, Nghị định quy định, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.

“Những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giải phóng được các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hội nghị cũng đã nghe Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn thông tin cụ thể về nội dung công việc thành phố Hà Nội đã làm để cụ thể hóa nhiệm vụ quan trọng này. Mới nhất là ngày 12-4-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về “Triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, các nội dung và tiến độ triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số quận đã trao đổi, đề xuất một số nội dung. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trực tiếp trả lời, khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể, nhất là những quy định về cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường để công chức cấp phường tin tưởng, yên tâm công tác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, thành phố Hà Nội rất quan tâm việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đồng thời đã nghiên cứu kỹ và triển khai nhiều phần việc cần thiết.

Cùng với việc nêu một số nội dung cần sớm có hướng dẫn để thuận tiện cho cơ sở trong triển khai thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề xuất Bộ Nội vụ cùng thành phố sớm giao biên chế bổ sung cho các quận của Hà Nội; có quy định khung bộ máy số lượng biên chế các phường; sớm quy định chế độ công vụ khi chuyển lên công chức quận.

“Thành ủy Hà Nội sẽ chỉ đạo Đảng đoàn HĐND thành phố sớm ban hành chính sách liên quan đến việc chuyển tiếp ngân sách, chính sách với cán bộ dôi dư; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố hướng dẫn cấp cơ sở ở 175 phường đổi mới hoạt động, tăng cường giám sát, phát huy dân chủ ở cơ sở với quy chế hoạt động rõ ràng”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến khẳng định.

Nhấn mạnh việc thay đổi chính sách nào cũng tác động đến con người và vướng mắc nào rồi cũng sẽ có biện pháp tháo gỡ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu lãnh đạo các quận, thị xã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là động viên tư tưởng đối với các đồng chí bí thư, phó bí thư, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, bởi nhiệm vụ quan trọng là lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.  

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tiếp thu ý kiến tại hội nghị.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan triển khai các nội dung công việc.

Theo đó, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ biên tập tài liệu tuyên truyền gửi các quận và thị xã Sơn Tây. Ngay sau hội nghị, các quận, thị xã báo cáo ban thường vụ quận ủy, thị ủy tổ chức hội nghị tại cơ sở, đặc biệt là làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ tại địa phương yên tâm công tác…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ đoàn thể ở cơ sở để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo quy định. Đặc biệt, đồng chí Lê Hồng Sơn lưu ý, thời gian thực hiện thí điểm chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021, do đó các đơn vị cần tập trung quán triệt, thực hiện khẩn trương, đúng lộ trình theo kế hoạch thành phố đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn lưu ý các quận, thị xã: Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp. Sau khi sắp xếp, các tổ chức, bộ máy của UBND các phường tinh gọn, công tác điều hành hoạt động giữa UBND quận, UBND thị xã và UBND phường bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức và công dân.

Sở Tư pháp Hà Nội cần phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, thị xã tổ chức tuyên truyền từ ngày 1-4-2021.

Sau hội nghị triển khai của thành phố hôm nay, UBND các quận, thị xã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, hoàn thành trước ngày 20-4-2021. Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ phải được thực hiện trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7-2021 (tiến độ cụ thể tùy theo từng nội dung).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.