(HNMO) - Ngày 25/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt thành phố Hà Nội học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: T. Phong |
Hội nghị được nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày về Nghị quyết "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Kết luận về việc hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội thông qua; Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cụ trưởng Cục Tuyên huấn Tổng Cục chính trị - Bộ Quốc phòng trình bày Nghị quyết về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày Kết luận về "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014" và "Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế , đổi mới mô hình tăng trưởng".
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Hội nghị TƯ lần này có ý nghĩa rất sâu sắc, bởi đây là những nội dung hết sức quan trọng đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước, trong đó có Hà Nội.
Với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là cải cách hành chính trong Đảng, Thường trực Thành ủy đã quyết định tổ chức Hội nghị thông qua hình thức trực tuyến. Đây không chỉ là sự đổi mới về hình thức hội nghị, mà còn nhằm phát huy cao hơn tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả của việc tuyên truyền và tiếp thu nghị quyết, đồng thời là việc làm thiết thực để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Đảng.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: T. Phong |
Thông qua Hội nghị quán triệt, học tập Nghị quyết lần đầu tiên được tiến hành bằng hình thức trực tuyến, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, điều kiện cơ sở vật chất và đường truyền, từng bước nhân rộng cách làm này với các cấp, các ngành thành phố.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, công tác tuyên truyền, quán triệt các kết luận của Hội nghị TƯ 8 cần được tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng trong trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết và kết luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cán bộ chủ chốt các cấp phải nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, nghiêm túc trong học tập và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, căn cứ tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình để khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết, bảo đảm thiết thực, phù hợp, xác định đúng nội dung trọng tâm, trọng điểm.
Đi vào nội dung cụ thể của các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị, với kết luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, các cán bộ chủ chốt của Thành phố cần đánh giá khách quan bối cảnh tình hình và những thành tựu nổi bật cũng như những mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, từ đó có nhận thức thống nhất trong Đảng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn tiếp theo; Phân tích dự báo tình hình khu vực và thế giới trong những năm tới có tác động tới nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng để xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trả lời được các câu hỏi mấu chốt: làm gì để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; cần thực hiện các biện pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và trên các ngành, lĩnh vực…
Về nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Bí thư Thành ủy đề nghị quan tâm phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, những “căn bệnh” kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được trong ngành giáo dục-đào tạo của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, từ đó xác định rõ Hà Nội cần thực hiện những mục tiêu cụ thể nào để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Thủ đô, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị của Thành phố.
Về nghị quyết chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bí thư Thành ủy lưu ý, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, liên quan đến vận mệnh cùa quốc gia, dân tộc. Các cán bộ chủ chốt của Hà Nội cần hiểu sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế, chú ý giải pháp thường xuyên quán triệt trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về nâng cao cảnh giác, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc; thấy rõ bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông ta là “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm; tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Về kết luận hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội thông qua, Bí thư Thành ủy đề nghị các cán bộ chủ chốt của Hà Nội dành thời gian thích đáng để nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ các quy định trong Hiến pháp, làm cơ sở thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên cương vị, lĩnh vực công tác được phân công. Đồng thời, tích cực tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị các cấp Thành phố khi thực hiện Hiến pháp mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.