Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tiêu thụ rau an toàn gặp rất nhiều khó khăn

H.H| 27/12/2010 17:03

(HNMO) – Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, hiện nay việc tìm kiếm và mở thêm các cửa hàng tiêu thụ rau an toàn (RAT) ở Thủ đô đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có việc giá thành để mở một cửa hàng bán RAT thì cao, trong khi lãi suất bán rau lại thấp...

Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. ảnh: Bá Hoạt

(HNMO) – Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, hiện nay việc tìm kiếm và mở thêm các cửa hàng tiêu thụ rau an toàn (RAT) ở Thủ đô đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có việc giá thành để mở một cửa hàng bán RAT thì cao (khoảng 10 triệu đồng), trong khi lãi suất bán rau lại thấp (chỉ khoảng 1-2 trăm nghìn đồng/ngày), nên người kinh doanh không gánh nổi chi phí, dẫn đến việc rau ế thừa phải đổ đi nhiều khiến nông dân bức xúc do không bao tiêu được hết sản phẩm.

Nhiều siêu thị trong thành phố có quầy RAT nhưng sản lượng rất thấp. Do lợi nhuận ít nên các siêu thị này cũng không mặn mà với việc kinh doanh trong lĩnh vực trên.

Để giúp thoát đầu ra cho sản phẩm RAT ở các vùng tập trung, Chi cục BVTV đã tham mưu Sở NN & PTNT báo cáo UBND TP ban hành văn bản số 8940/UBND-NN về việc bố trí các điểm bán RAT; theo đó đã giao Sở Công thương, UBND các quận, huyện rà soát, bố trí các quầy tiếp nhận và kinh doanh sản phẩm RAT để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đến nay đã có một số quận, huyện báo cáo kế hoạch mở điểm bán RAT (Hà Đông: 3 điểm, Long Biên: 6 điểm, Thanh Trì: 4 điểm, Thường Tín: 2 điểm, Thạch Thất: 2 điểm...)

Tuy nhiên, theo đề án phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội do Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) xây dựng thì con số đó còn quá ít (theo kế hoạch, thành phố đã giao chỉ tiêu cần có 40 điểm để bán RAT trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2011).

Cũng theo bà Hoa, tính đến tháng 12-2010, toàn thành phố đã có 17 địa phương, doanh nghiệp lập 17 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 2.097ha. Trong đó đã có 7 dự án được phê duyệt với tổng diện tích 359ha, gồm: Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì) có 107ha; Thụy Hương (Chương Mỹ) có 80ha; Thanh Đa (Phúc Thọ) có 50ha; Thanh Xuân (Sóc Sơn) có 50ha; Tây Đằng, Chu Minh (Ba Vì) có 72ha.

Thông tin trên đã được ra trước các nhà báo tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức chiều nay (27-12).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tiêu thụ rau an toàn gặp rất nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.