(HNMO) - Chiều 4-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.
Phòng, chống dịch theo tinh thần "5K"
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 21-8 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tính từ ngày 25-7 đến nay, Hà Nội có 38 ca mắc, chưa có ca tử vong. Hiện thành phố có 589 trường hợp F1, 3.605 trường hợp F2. Số người còn cách ly tập trung là 1.474.
Thành phố đã lấy 73.499 mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7, kết quả ghi nhận 3 trường hợp dương tính (BN979, BN752, BN962), số còn lại âm tính.
Về công tác phòng, chống dịch, từ ngày 31-8 đến nay, thành phố đã khám sàng lọc 1.849 bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Hiện các bệnh viện còn cách ly điều trị 64 bệnh nhân nghi ngờ.
Ngày 3-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã làm việc với Sở Tài chính, Sở Du lịch, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan về việc quản lý cách ly đối với các trường hợp chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày và việc thu phí đối với các trường hợp nhập cảnh. Ngày 4-9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã kiểm tra công tác cách ly y tế tại các khách sạn và khu cách ly tập trung.
Đánh giá về tình hình dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, mặc dù Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng, nhưng vẫn có những trường hợp từ tỉnh khác về, nên vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập từ các địa phương vào Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân vẫn cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc "5K": Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
Ngày mai (5-9), các trường học trên toàn thành phố sẽ tổ chức lễ khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần bảo đảm an toàn phòng dịch cho học sinh bước vào năm học mới.
100% bệnh viện tại Hà Nội đã được kiểm tra, giám sát
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, vào năm học mới, sẽ có nhiều học sinh, sinh viên ở các tỉnh khác về Hà Nội nên cần đẩy mạnh công tác truyền thông để ngăn chặn nguồn lây có thể phát sinh trong cộng đồng.
Ngoài ra, số người từ Đà Nẵng về Hà Nội thời gian tới có thể cũng là nguồn phát sinh ca nhiễm mới. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường, mở lại một số chuyến bay thương mại tới các nước, vì thế, Hà Nội cần có phương án phân luồng, cách ly phù hợp để bảo đảm không để xảy ra sơ suất có thể lây lan dịch ra cộng đồng.
Về bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã kiểm tra 100% số bệnh viện (81/81 bệnh viện), trong đó có 41 bệnh viện công lập, còn lại là ngoài công lập. Có 78/81 bệnh viện đạt mức an toàn; 1 bệnh viện ở mức an toàn thấp; 2 bệnh viện không an toàn phải đóng cửa.
Sau nhiều lần kiểm tra, Sở Y tế đánh giá, các bệnh viện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc tự kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả; hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số bệnh viện chưa bảo đảm; việc vệ sinh bề mặt, khử khuẩn tại một số bệnh viện được thực hiện chưa nghiêm túc. Sở Y tế đề nghị các bệnh viện khắc phục ngay những hạn chế này.
Ngoài ra, Sở Y tế đã giám sát, kiểm tra 52 phòng khám đa khoa khu vực; các địa phương đã xử phạt hành chính 26 cơ sở hành nghề y vì không bảo đảm hướng dẫn phân luồng. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra tại các phòng khám đa khoa; tăng cường xử lý những phòng khám không bảo đảm trong công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh xin ý kiến thành phố về việc dừng tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 47 - Vì hòa bình năm 2020 để bảo đảm phòng, chống dịch và việc tổ chức các giải đấu thể thao với hình thức không có khán giả.
Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo về kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các bến xe, nhà xe; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho các nhà xe, hành khách; duy trì khai báo y tế, thống kê hành khách. Sở tiếp tục yêu cầu các nhà xe, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.
Đại diện Thành đoàn Hà Nội và Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết đã tuyên truyền tới các đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội phụ nữ, người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tham gia các phong trào tình nguyện...
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, các cơ quan báo chí đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch với số lượng lớn tin, bài chất lượng, bám sát chỉ đạo của thành phố, trong đó có Báo Hànộimới. Nhiều tin giả, sai sự thật đã được Sở nhanh chóng xử lý, chấn chỉnh.
Các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Mỹ Đức... tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Rà soát các trường hợp liên quan đến những ca dương tính; thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các phòng khám tư nhân, các nhà thuốc, các cơ sở kinh doanh karaoke; tuyên truyền nhân dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch; xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tăng cường phòng, chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết...
Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch lâu dài
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, nếu Hà Nội giữ được 12 ngày nữa không có ca mắc ngoài cộng đồng thì các ổ dịch tại Hà Nội sẽ kết thúc.
Điểm lại công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, đồng chí Ngô Văn Quý cho biết, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác truy vết các đối tượng liên quan ca dương tính; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế... Đáng chú ý, thành phố đã kiểm tra 3 lần tại các bệnh viện, trong đó có 78/81 bệnh viện ở mức an toàn. Thời gian tới, Hà Nội cố gắng 100% số bệnh viện đạt tiêu chí an toàn.
Nhận định vẫn còn ca bệnh ngoài cộng đồng tại các địa phương nên Hà Nội vẫn còn nguy cơ, đồng chí Ngô Văn Quý khẳng định, thành phố xác định việc chống dịch là nhiệm vụ lâu dài. Do đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các phần việc, như: Vận động, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch theo tinh thần "5K"; chủ động giám sát các ca bệnh, tổ chức rà soát, truy vết những trường hợp liên quan...
Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Hiện Hà Nội còn 1 bệnh viện ở mức an toàn thấp, phải được nâng cấp theo tiêu chí an toàn; 2 bệnh viện không bảo đảm phải dừng hoạt động cần sớm được khắc phục. Đối với việc cách ly chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày và thu phí đối với các trường hợp nhập cảnh, đồng chí Ngô Văn Quý cho biết, thành phố sẽ bố trí cách ly tại các khách sạn trên tinh thần bảo đảm phòng, chống dịch.
Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiếp nhận những người từ Đà Nẵng về trong thời gian tới. Với những người có xét nghiệm âm tính, đã qua 14 ngày, thành phố vẫn khuyến cáo cần tiếp tục ở nhà theo dõi sức khoẻ, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương. Với trường hợp về nhưng chưa xét nghiệm thì các địa phương phải có quyết định cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày để bảo đảm an toàn.
Với công tác phòng, chống dịch cho ngày khai giảng và năm học mới, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các trường bảo đảm an toàn cho học sinh theo đúng hướng dẫn. Sở Y tế và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể cho các trường đại học, cao đẳng về phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị cho việc tuyển sinh, nhập học. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các cửa hàng kinh doanh, cơ sở ăn uống; quan tâm phòng, chống dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế xây dựng quy tắc ứng xử nếp sống văn hoá trong tình hình phòng, chống dịch lâu dài.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.