(HNMO) - Đêm nay (12-7), thành phố Hà Nội nhiều mây, có lúc mưa rào và dông, nhiệt độ 26-28 độ C. Trên biển xuất hiện gió mạnh gây nguy hiểm cho các tàu thuyền.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua khu vực Bắc Trung Bộ nên từ ngày 13 đến 15-7, thành phố Hà Nội nhiều mây, ngày có lúc giảm mây, nắng gián đoạn, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, nhiệt độ cao nhất 32-34 độ C.
Các nơi còn lại thuộc khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, từ đêm 12 đến ngày 13-7 có mưa rào và dông, có nơi mưa to, với lượng mưa 20-40mm, có nơi cao hơn 24mm trong 24 giờ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 14 đến 15-7 và từ ngày 20 đến 22-7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to. Xen giữa hai đợt mưa này, từ ngày 16 đến 19-7, Bắc Bộ xảy ra nắng nóng.
Đáng chú ý, đêm nay và ngày mai (13-7), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao 3-5m. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía Đông của khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao 2-4m...
Để chủ động ứng phó gió mạnh, sóng lớn trên biển, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và các hoạt động sản xuất ven biển, ngày 12-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh nêu trên chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn dân cư, khách du lịch, bảo vệ sản xuất, gia cố các khu nuôi trồng thủy sản khu vực cửa sông, ven biển; gia cố các tuyến đê biển có nguy cơ mất an toàn; triển khai lực lượng quản lý đê, lực lượng xung kích tuần tra, canh gác đê, nhất là các khu vực xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, tràn... Đặc biệt, tỉnh Cà Mau khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay các sự cố sạt lở đê điều đã xảy ra để bảo đảm an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống thiên tai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.