(HNMO) - Ngày 31-7, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đã được thắt chặt. Lực lượng chức năng của các địa phương tiến hành kiểm tra giấy đi chợ, kiểm soát từ đầu chốt, đo thân nhiệt, yêu cầu giãn cách tối thiểu theo quy định. Các hàng rong, chợ “cóc” đã bị cấm triệt để. Ý thức phòng dịch của người dân cũng được nâng cao hơn.
Kiểm soát chặt các chợ đầu mối
Khảo sát trên nhiều địa bàn, đặc biệt nơi có chợ đầu mối hoạt động cho thấy, việc kiểm soát phòng dịch rất quy củ. Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng thông tin, từ ngày 29-7, UBND quận Ba Đình có văn bản hỏa tốc triển khai thẻ vào chợ cho người dân trên địa bàn quận. Theo đó, UBND quận yêu cầu UBND 14 phường khẩn trương triển khai việc cung cấp, phát thẻ vào chợ đến người dân trên địa bàn, xong trước 21h ngày 30-7, đặc biệt lưu ý các hộ có đông nhân khẩu.
Tại chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình), các lực lượng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân thực hiện việc sử dụng thẻ vào chợ.
UBND 14 phường xác định tần suất đi chợ của mỗi người dân là 3 ngày/lần, mỗi đối tượng được đi chợ tối đa 3 lần/tuần/chợ bất kỳ thuộc địa bàn quận. Đến sáng 31-7, một số phường như Cống Vị, Đội Cấn… thực hiện việc kiểm soát người dân đi chợ bằng thẻ rất thuận lợi.
Thiếu tá Phạm Thế Anh, Trưởng Công an phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cho biết, từ 0h ngày 31-7, đơn vị đã cùng Ban Quản lý chợ đầu mối Long Biên bố trí các chốt kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các cổng để kiểm tra, thu lại thẻ vào chợ của người dân, lưu theo ngày để phục vụ công tác điều tra, truy vết dịch tễ khi cần thiết. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hình thức sử dụng thẻ vào chợ nhiều lần, cho mượn thẻ hoặc sử dụng thẻ sai mục đích.
Tương tự, tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chính quyền địa phương và Ban quản lý chợ thực hiện nghiêm việc tuyên truyền, kiểm tra, yêu cầu giãn cách, đo thân nhiệt, thực hiện tốt thông điệp “5K”... Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai Hoàng Thị Chiên cho biết, phường đã bố trí tiêm phòng vắc xin cho 1/2 số hộ kinh doanh (chợ có gần 1.000 hộ). Hằng ngày, lực lượng chức năng phường, Ban quản lý chợ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để tránh lây lan dịch bệnh.
Chị Lê Thị Lan, một tiểu thương bán rau tại chợ cho biết: “Tôi cố gắng thực hiện tốt giãn cách để bảo vệ chính mình và gia đình, đồng thời tuân thủ nghiêm quy tắc phòng dịch của chính quyền địa phương”.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai, chợ đầu mối Đền Lừ đang được tạm phong tỏa vì liên quan đến một ca F0, còn tại các chợ dân sinh khác đều tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm túc, đồng thời, bảo đảm chuẩn bị đủ nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Lan cho biết, phường triển khai 5 chốt phòng, chống dịch ở Khu đô thị Định Công, chợ Xanh Định Công, hồ Đầm Sòi, hồ Định Công và Cầu Lủ, với thời gian duy trì vào giờ cao điểm sáng sớm, chiều muộn. Phường cũng đã phát 14.000 phiếu đi chợ cho các hộ dân trên địa bàn, bảo đảm giãn cách xã hội.
Nâng cao ý thức tiểu thương tại chợ dân sinh
Tại chợ dân sinh Ngọc Thụy thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), hàng chục quầy hàng phía ngoài chợ đã được giải tỏa. Người dân ra - vào chợ phải có thẻ, phân loại ngày chẵn - lẻ. Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Lê Thị Bích Hoài cho biết, để bảo đảm tốt nhất cho việc kiểm soát số người ra - vào chợ, hạn chế tối đa tập trung đông, cổng chợ có biển báo người dân đi bộ vào chợ, vào cổng chính có soát thẻ, ra khỏi chợ có lối riêng.
Bà Ngô Thị Hiệp, Tổ phó tổ Covid-19 cộng đồng tổ 13 phường Ngọc Thụy cho biết, hằng ngày, bà và thành viên tổ Covid-19 cộng đồng hỗ trợ Ban quản lý chợ kiểm soát người ra - vào chợ bằng thẻ. Thời gian hỗ trợ từ 5h30-10h30 và 16h30-18h hằng ngày. Quá trình kiểm soát thẻ cho thấy, một số người dân sử dụng thẻ không đúng ngày quy định, hoặc có người đi chợ mang theo trẻ em. Tổ công tác đã giải thích và yêu cầu mọi người chấp hành quay về.
Ngày 31-7, khảo sát thực tế tại khu vực chợ tạm họp trên ngõ 12 phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), phóng viên nhận thấy không có tình trạng hàng rong buôn bán. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liệt Phạm Hồng Thái, phường đã tổ chức 3 chốt trực và 2 tổ kiểm tra lưu động tại phường; đồng thời, bố trí 1 chốt trực trước lối vào chợ tạm ngõ 12 Phan Đình Giót.
Khảo sát thực tế tại chợ dân sinh xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), phóng viên nhận thấy 100% tiểu thương và người mua hàng đều đeo khẩu trang, ngồi giãn cách và số lượng người đến chợ không đông.
Tương tự, tại các chợ Phùng (thị trấn Phùng), chợ Thương Binh (xã Đan Phượng)... của huyện Đan Phượng, không còn tình trạng người mua, bán tấp nập, mà các quầy hàng được bố trí ngồi giãn cách, đo thân nhiệt, kiểm tra giấy ra - vào chợ của từng người dân...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, đơn vị đã yêu cầu Ban quản lý các chợ dân sinh trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống dịch cụ thể. Các chợ phải bố trí 1-3 chốt phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát người ra, vào chợ hằng ngày. Người dân cũng được tuyên truyền đi chợ giãn đều thời gian trong ngày.
Còn tại huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khánh Bình cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các chợ dân sinh. Các chợ chỉ được bán những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm giãn cách... Ban quản lý các chợ bố trí người đo thân nhiệt, nước sát khuẩn và không cho nhiều người vào chợ cùng lúc.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, địa bàn thị xã có một số phường phải phong tỏa tổ dân phố, khu dân cư do có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nên toàn bộ chợ ven đường trục, chợ tạm ở các xã, phường đều được dẹp bỏ. Thị xã cung cấp thông tin địa chỉ 13 chợ, 4 siêu thị, 400 cửa hàng tiện ích để người dân đến mua nông sản, thực phẩm và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Bên cạnh việc kiểm soát nghiêm ngặt tại các chợ, ngày 30-7, các cơ quan chức năng cũng xử phạt nhiều trường hợp vi phạm công tác phòng dịch. Cụ thể, từ ngày 24-7 đến nay, huyện Thanh Oai đã xử phạt 159 trường hợp với tổng số tiền hơn 341 triệu đồng... Tại thị xã Sơn Tây, các lực lượng chức năng xử phạt 31 trường hợp vi phạm, phạt 37 triệu đồng.
Từ ngày 24-7 đến nay, UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) đã xử phạt 17 trường hợp vi phạm, số tiền 25 triệu đồng; UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) xử phạt 67 trường hợp với số tiền 76 triệu đồng; UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) xử phạt 138 trường hợp, số tiền 271 triệu đồng.
Số trường hợp vi phạm, không chấp hành nghiêm quy định giãn cách bị phạt mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa giảm. Điều này cho thấy, còn nhiều người dân chủ quan, coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh, đòi hỏi chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tạo thành nếp sống tuân thủ pháp luật.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.