Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội thành lập 16 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND các cấp

Tiến Thành - Ảnh: Bá Hoạt| 02/11/2018 11:25

(HNMO) - Sáng 2-11, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức hội nghị triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân hai cấp TP Hà Nội

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh chung.


Tại hội nghị, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Tống Anh Hào đã công bố Quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao về việc mở rộng thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau thời gian thí điểm tại TP Hải Phòng. Thực hiện quyết định trên của Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố và 15 tòa án cấp quận, huyện trên địa bàn. Các trung tâm này sẽ tiến hành hòa giải những tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động. Đồng thời, trung tâm còn có chức năng đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý, giải quyết.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó, còn giúp hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án. Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.

Để thực hiện tốt thí điểm tại Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao mong muốn, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho trung tâm hòa giải, đối thoại của tòa án các cấp. Đồng thời, Tòa án nhân dân thành phố cần nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu về cơ chế hòa giải, đối thoại. Đối với đối thoại viên, hòa giải viên, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho công việc. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần xem công tác hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ chính trị, bởi làm tốt công tác này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp tại thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thành lập 16 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.