Sau khi bản tạm ước 14-9 được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại diện chính quyền Pháp Moutet, chấp hành chủ trương của Chính phủ, nhân dân ta vẫn kiên trì đấu tranh chính trị hòa bình nhưng đồng thời tích cực chuẩn bị lực lượng đề phòng những bất trắc do thực dân Pháp hiếu chiến gây ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường kháng chiến (1947)
Trong khi đó, với bản chất ngoan cố đầy tham vọng, thực dân Pháp tăng cường khiêu khích ta về mọi mặt. Vừa nhận thêm viện binh, Pháp giành quyền thu thuế quan với ta ở cảng Hải Phòng, gây xung đột với lực lượng vũ trang ta. Chúng mượn cớ pháo kích các khu phố chính rồi đến cuối tháng 11-1946 thì chính thức chiếm đóng Hải Phòng. Tại Hà Nội, quân Pháp cũng liên tục khiêu khích và ngày 2-12, quân Pháp từ các nơi được điều về Hà Nội nhiều hơn với tổng số lên tới 6.500 tên. Chúng lập những ổ chiến đấu ở các nhà Pháp kiều. Báo chí Pháp ở Hà Nội cũng công khai nói xấu Chính phủ ta, xuyên tạc các sự kiện. Bọn Tây mũ đỏ kéo đến phá phách Nhà Thông tin Tràng Tiền. Ba đêm liền, xe lính Pháp đi rải truyền đơn khắp thành phố. Bằng những hành động này, trên thực tế, thực dân Pháp đã gây ra cuộc chiến tranh không tuyên bố nhằm tái xâm lược từng phần Bắc Việt Nam mà trước hết là Thủ đô Hà Nội. Nhân dân đã được lệnh tản cư về các vùng nông thôn.
Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước. (Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Liên hợp quốc tháng 12-1946)
Trước những hành động khiêu khích, tiến công lấn chiếm của bọn thực dân hiếu chiến, đoán trước sẽ không tránh khỏi được cuộc chiến tranh xâm lược của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản chỉ thị quan trọng Công việc khẩn cấp bây giờ gửi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để tăng cường đoàn kết, ra sức đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị kháng chiến trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, giao thông vận tải, sẵn sàng đối phó kịp thời khi cuộc chiến nổ ra. Đầu tháng 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Chiến đấu vì chính nghĩa đăng trên báo Cứu quốc, phân tích tỷ mỷ tình hình chiến lược, chiến thuật, thế tương quan lực lượng giữa ta và địch, Người kết luận: "Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi, thiên thời, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công". 6-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp: "Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài".Ngày 12-12, trong bài trả lời đại biểu các báo Việt Nam về chính kiến của lãnh tụ đảng Xã hội Pháp, Người nói: "Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hóa và vật chất của nước Pháp ở đây. Nhưng Việt Nam cũng quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực". Ngày hôm sau, trả lời phỏng vấn của báo Paris-Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do".
Không khí của một cuộc chiến khốc liệt đang kéo đến gần do lòng ngạo mạn, mù quáng và máu phiêu lưu chủ quan của các phần tử diều hâu phản động Pháp. Ngày 14-12 Pháp đưa thêm 400 lính lê dương vào Hải Phòng và ngày 15-12, Pháp tổ chức chuyển quân gấp từMarselle sang Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Thủ tướng Pháp đề ra một số điều kiện để giải quyết tình hình quan hệ Pháp - Việt; nhưng đến ngày 16-12, Cao ủy Pháp D'Argenlieu ngang nhiên tuyên bố Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp. Cả Hà Nội sục sôi khí thế chiến đấu. Nhiều ụ đề kháng được nhanh chóng dựng thêm. Địch liên tục khiêu khích và nổ súng uy hiếp ta nhằm châm ngòi cuộc chiến thật nhanh chóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài nhận định về chiến lược, chiến thuật của ta và địch: "Chiến lược của chúng là tiến công đánh chớp nhoáng để giải quyết chiếm cứ thật nhanh ở một khu vực và sau khi củng cố vị trí ở đó lại bắt đầu tiến công để ngoạm miếng khác. Còn chúng ta chiến đấu là để tự vệ, cốt phá tan lực lượng tiến công của quân địch, làm cho chúng phải hao quân tốn của, vì vậy, chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự".
Sau khi đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, quân địch tăng cường binh lực, bắn phá tấn công ồ ạt từng khu vực trọng yếu quanh Hà Nội, đưa tối hậu thư đòi Chính phủ ta phải giao nộp vũ khí, giải tán Việt Minh trong vòng 24 giờ. Đêm khuya ngày 18-12, trên căn gác xép nhỏ hẹp trong làng Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cô đọng trong 196 từ với sức truyền cảm và tinh thần động viên thôi thúc vô cùng mạnh mẽ. Sáng sớm 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Thủ tướng Pháp. Buổi sáng, quân Pháp gửi tiếp tối hậu thư đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, giao nộp vũ khí và đe dọa trong vòng 24 giờ không thực hiện thì chúng sẽ hành động. Chính phủ ta đã bác bỏ tối hậu thư láo xược ấy, Trung ương ra chỉ thị: Tất cả hãy sẵn sàng. Từ 14h30 đến 15h15, Bác họp với các đồng chí Trung ương ở Vạn Phúc, thông qua Lời kêu gọi kháng chiến và đến 16h cùng ngày, các chỉ huy quân sựchủ chốt của ta họp ở Bạch Mai nghe phổ biến quyết định tấn công.
Đúng 20h, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy; đại bác của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Canh tới tấp dội bão lửa vào trại lính Pháp trong thành Hà Nội; các lực lượng vũ trang của ta đồng loạt tấn công các vị trí của địch; tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột đèn; công nhân lật nghiêng toa xe điện, xe lửa ở các ngã ba, ngã tư làm chướng ngại vật; nhân dân quăng đồ đạc, giường, tủ, ấm chén, chăn bông... ra cản đường giặc; dân quân ngoại thành nổi trống liên hồi kỳ trận, thúc giục tự vệ tiến vào các cửa ô tiếp ứng cho bộ đội tại các điểm đề kháng... Hà Nội đã anh dũng đứng lên chiến đấu mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp đất nước và thế giới: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!".
Đỗ Hoàng Linh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.