Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội, Tết vui nhưng còn nhiều khiếm khuyết!

Minh Bắc| 24/02/2015 11:35

(HNMO) - Kỳ nghỉ Tết Ất Mùi kéo dài 9 ngày đã kết thúc với các chuyến xe khách, tàu hỏa chở đầy khách từ các tỉnh về Hà Nội. Phố phường Hà Nội lại nhộn nhịp, huyên náo hơn. Tất cả đang chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên của năm mới vào ngày hôm nay…

Cũng như mọi năm, không khí buổi làm việc đầu tiên tại các cơ quan, công sở bao giờ cũng là những nụ cười với lời chúc tết của bạn bè đồng nghiệp. Và sau đó là rủ nhau đi đón “Tân niên”. Tất nhiên, điều đó làm các dịch vụ ăn, uống ở Hà Nội vào dịp ngày đầu đi làm này bị quá tải và giá cả dịch vụ tăng hơn.

Trước đó, trong mấy ngày Tết, trên nhiều tuyến phố Hà Nội không ít các hàng quán ăn uống và các dịch vụ khác đã mở cửa phục vụ khách hàng. Đặc biệt các quán hàng ăn như bún, phở hay cà phê, trà… đều đắt đỏ hơn hẳn ngày thường. Giá cả thường bị đẩy lên gấp hai, gấp ba ngày thường, với một lý do rất đơn giản nhưng người tiêu dùng cũng dễ dàng chấp nhận bởi “người đi chơi, người phải làm” thì công phải cao hơn…


Bún riêu, phở, miến quán vỉa hè sau Tết rất đông khách. Nguồn: baotintuc.vn




Nhìn chung giá một bát phở hàng ngày thường từ 30.000-35.000đ thì ngày tết phải 50.000-60.000đ/bát; còn bún cũng vậy, tùy từng quán hàng nhưng ít nhất cũng phải 40.000đ/bát bún riêu. Điều khách phàn nàn là chất lượng của bát bún, phở thường kém hơn cả ngày thường. Ngày tết, nhiều khách hàng mất tiền mua cũng phải cố mà ăn để tiếp tục cuộc dạo chơi. Cụ thể như trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đội Cấn, Nguyễn Văn Cừ… bún riêu bò đậu 50.000 đồng/bát, phở bò, gà 60.000 đồng/bát. Còn các quán cà phê, giá cả cũng đắt hơn ngày thường nhưng cũng may là chất lượng không bị giảm. Khu vực bán kem Tràng Tiền tuy giá cả không lên nhưng để khách hàng ăn kem xong rồi xả rác ngay cả ra đường làm cho sự văn minh thanh lịch của Hà Nội kém đi ít nhiều.

Các mặt hàng thực phẩm ngay từ mùng 2 Tết đã có một vài nơi bày bán. Giá cả tất nhiên là đắt hơn như thịt lợn thăn trước Tết chỉ 70.000-80.000đ/kg thì hôm nay phải 120.000-130.000đ/kg. Khi biết giá loại thực phẩm này tăng như vậy, một công chức đã nghỉ hưu cho biết: “Trước Tết, mặt hàng này tụt giá nên đã lọ mọ mua mấy cân về làm ruốc để dùng dần”. Các loại rau củ, quả đều tăng giá, đặc biệt loại rau bầu có thể tăng gấp đôi ngày thường, giá đến 15.000-20000đ/mớ…

Riêng về dịch vụ gửi xe ô tô, xe máy, đổi tiền lẻ thì mấy ngày tết mới thực sự thu nhập tăng cao gấp bội ngày thường. Nhất là tại các điểm tổ chức bắn pháo hoa như khu vực Hồ Gươm, Hồ Tây, Công viên Thống Nhất… giá vé gửi xe máy, ô tô tăng khủng khiếp mà không ai kiểm soát được, đã xảy ra một vài vụ cãi cọ to tiếng vì giá gửi xe. Xe máy tại những điểm này không ai thu dưới 20.000 đ/xe, thậm chí có điểm “chém” tới 50.000 đ/xe. Ngoài ra giá vé gửi xe ô tô tại một số điểm tăng lên 100.000 đồng/xe, giá đó có thể chỉ trông từ sáng đến 10h trưa hay từ chiều đến 18h tối chứ không phải cả ngày. Nhìn chung, giá cả gửi xe tại các điểm khác như Văn Miếu, chùa Quán Sứ… đều theo mệnh giá như vậy. Riêng tại các khu chung cư, giá gửi xe của khách cũng bị đẩy tăng lên, không dưới 10.000 đ/xe…

Dịch vụ đổi tiền lẻ tại Hà Nội, mặc dù đã có đầy đủ công văn, văn bản đề đề nghị tăng cường quản lý, sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, lễ hội và sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường, các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Theo đó, hành vi đổi tiền lẻ sẽ được xử lý nghiêm khắc và mức phạt 20-40 triệu đồng. Nhưng hình như các văn bản này cũng không mấy tác dụng vì “thị trường” này cũng hoạt động khá sôi động. Dạo qua một số điểm như ở chùa Trấn Quốc, phố Đinh Lễ có thể thấy hoạt động “kinh doanh” tiền lẻ có mức chênh lệch cụ thể là tiền mệnh giá 1.000 đồng thì chênh lệch 30% cho người “kinh doanh” (trả 70.000 đồng tiền lẻ, thu về 100.000 tiền chẵn); tiền 5.000 đồng là 20%. Còn đồng tiền mệnh giá 500 đồng hưởng mức chênh lệch là 40%.

Nhìn chung, các mặt hàng, dịch vụ sau tết của Hà Nội sẽ dần dần trở lại ổn định khó mà gây sốt. Tuy nhiên điều cần nói vẫn là phong cách quản lý thị trường cũng như nếp sống văn hóa của thủ đô trong dịp Tết. Nhiều khiếm khuyết vẫn tồn tại Tết này qua Tết khác mà vẫn chưa khắc phục được như việc tăng giá dịch vụ quá cao, xả rác bừa bãi tại nơi công cộng… Điều đó làm cho hình ảnh của Hà Nội bớt đẹp đối với du khách đón Tết ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội, Tết vui nhưng còn nhiều khiếm khuyết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.