(HNMO) - Chiều 25-3, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Tạm dừng hoạt động các sân vận động, quán bia...
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, để tăng cường phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố Hà Nội đã tạm dừng các dịch vụ kinh doanh không cần thiết, như: Karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao, quán bia... Đồng thời, thành phố yêu cầu hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, sinh nhật, hoạt động tôn giáo, thờ tự.
"Vừa qua, có hiện tượng tập trung đông người đi lễ tại Phủ Tây Hồ, đây là việc không nên vì có nguy cơ lây nhiễm dịch. Đề nghị các địa phương cần xem xét, quản lý lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố", ông Hoàng Đức Hạnh nói.
Về việc cách ly, Sở Y tế cho biết, hiện còn 5.140 người được cách ly tại 15 khu cách ly tập trung. Các bệnh viện của Hà Nội đã điều trị cho 358 trường hợp. Thành phố bảo đảm có thể thực hiện cách ly được hơn 20.000 người.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến 12h ngày 25-3, thế giới ghi nhận 422.614 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 18.892 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập tới 197 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tâm dịch hiện đang tập trung tại châu Âu. Tại Đông Nam Á, số lượng người nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia...
Tại Việt Nam, tính đến 12h ngày 25-3, đã ghi nhận 134 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện. Số ca mắc tại Việt Nam tăng chủ yếu là các ca xâm nhập từ các nước di chuyển về Việt Nam. Tại Hà Nội, ghi nhận 43 trường hợp dương tính với Covid-19, chưa có trường hợp tử vong.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định được các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh. Cụ thể, trường hợp thuộc diện F1 có 980 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, còn 553 người phải cách ly theo dõi. Các trường hợp F2 còn đang theo dõi sức khỏe là 1.917 người.
Tính đến ngày 24-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm 11.917 mẫu, các mẫu dương tính đã gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm khẳng định lại.
Xử phạt nghiêm với trường hợp bỏ trốn khi cách ly
Tại cuộc họp, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đề nghị những công dân đang thực hiện cách ly tập trung không nhận đồ tiếp tế từ người nhà gửi vào để tránh lây nhiễm chéo. Hiện nay, hoạt động tiếp tế lương thực đã giảm. Nhiều người dân đã thực hiện nghiêm túc đề nghị của thành phố.
Về việc kiểm soát người cách ly, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà báo cáo đã xử lý trường hợp chị V.T.H (Sài Đồng, Long Biên) không thực hiện cách ly đúng quy định, đi khỏi địa bàn khi vẫn còn 2 ngày thực hiện cách ly. UBND quận Long Biên sẽ ra mức xử phạt hành chính với trường hợp này.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đã thực hiện rà soát được hành trình của trường hợp du khách Đan Mạch mắc Covid-19 có lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cũng đã làm việc với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thống nhất việc đóng cửa chùa Quán Sứ cũng như các biện pháp khác để tránh tình trạng người dân đến cúng lễ, có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các quận, huyện: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Quốc Oai, Thanh Trì… đã tăng cường việc rà soát, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc, liên quan đến các ca bệnh; tổ chức giám sát nghiêm túc các trường hợp cách ly tại cộng đồng. Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra, nghiêm túc việc thực hiện tạm dừng hoạt động các hoạt động kinh doanh không cần thiết, như các quán bar, karaoke, kinh doanh trò chơi điện tử; tạm đóng cửa các di tích, dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để tránh tập trung đông người. Ngoài ra, các địa phương cũng thực hiện các phương án cách ly trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thông tin kết luận tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, nhận định công tác phòng, chống dịch của cả nước đang trong giai đoạn 3, vì vậy cả hệ thống chính trị cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tập trung vào các công việc: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hạn chế về nước; xử lý nghiêm khắc những trường hợp không khai báo y tế, thực hiện cách ly không đúng quy định; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông…
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc rà soát, cách ly tập trung đúng quy trình để tránh lây nhiễm chéo.
Xét nghiệm rộng rãi, cách ly triệt để mới phòng ngừa hiệu quả dịch Covid-19
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, Hà Nội đang tiềm tàng nhiều nguy cơ lây nhiễm lớn, bởi nhiều nơi trên địa bàn vẫn còn diễn ra hoạt động tập trung đông người tại các quán cà phê, sinh hoạt tôn giáo; nhiều người dân ra đường không đeo khẩu trang...
Thành phố xác định, Hà Nội có 4 nguồn lây nhiễm chính, gồm: Lây nhiễm chéo từ Bệnh viện Bạch Mai; nguồn lây từ khách du lịch đến Việt Nam trước ngày 14-3; trường hợp có thể đã nhiễm Covid-19 nhưng chưa được phát hiện trong cộng đồng; nguồn lây từ các y, bác sĩ có thể xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh.
Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Bệnh viện Bạch Mai đang có nguy cơ trở thành ổ dịch với khả năng lây nhiễm cao khi tại đây đã phát hiện những trường hợp dương tính với Covid-19 và có trường hợp lây nhiễm chéo. Vì thế, tất cả những người đến bệnh viện thăm thân, khám chữa bệnh ở các khoa Tim mạch, Thần kinh... trong khoảng thời gian từ ngày 10-3 trở lại đây, cần phải ngay lập tức thông báo với cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm và tự tổ chức cách ly tại nhà. Các địa phương phải thực hiện rà soát số người này.
Từ những đánh giá, nhận định trên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, với tình hình dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Hà Nội, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm rộng rãi để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố có thể thực hiện lấy mẫu xét nghiệm được 3.000-5.000 mẫu/ngày, đây là biện pháp quan trọng để thành phố tổ chức khoanh vùng, cách ly sớm nhằm điều trị, chữa bệnh sớm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nêu những công việc, nhiệm vụ cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tạm dừng hoạt động đối với những cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke, cà phê, trung tâm thể thao..., trước mắt đến hết ngày 5-4.
Bộ Tư lệnh Thủ đô phải yêu cầu các khu cách ly tập trung kiên quyết không tiếp nhận, vận chuyển đồ tiếp tế của người nhà những người đang thực hiện cách ly, bởi việc tập trung đông người là mối nguy cơ lây lan dịch. Công an thành phố phải có khu giam riêng đối với những đối tượng bị bắt giam mới.
Các bệnh viện cần hướng dẫn và chuẩn bị tinh thần làm việc cho các y, bác sĩ, thực hiện đúng quy trình làm việc, có thể sẽ phải cách ly lâu dài tại các bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo từ đội ngũ y, bác sĩ. Đồng thời, các bệnh viện phải cập nhật phác đồ điều trị để mang lại hiệu quả cao trong việc chữa trị cho các ca bệnh.
Các trường hợp đi từ vùng dịch về, đi du lịch từ các tỉnh, thành phố có dịch hoặc trên các chuyến bay có người bị nhiễm Covid-19 phải khẩn trương khai báo với cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện nghiêm túc tự cách ly tại nhà.
Đối với những trường hợp bỏ trốn khi thực hiện cách ly, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương xử phạt nghiêm.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu và khuyến cáo công dân trên địa bàn thành phố ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang, cố gắng giữ khoảng cách an toàn với người khác từ 2-3m; hạn chế đi lại bằng phương tiện công cộng. Thành phố đã quyết định chỉ duy trì 20% công suất xe buýt phục vụ cho việc đi lại khi cần thiết.
Các đơn vị, cơ quan hạn chế tổ chức hội họp, khuyến khích làm việc trực tuyến. Với các đơn vị phải làm việc trực tiếp tại trụ sở thì bắt buộc phải có các biện pháp phòng, chống dịch, như thực hiện đo thân nhiệt cho cán bộ, nhân viên; tiến hành khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên nơi làm việc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.