(HNMO) - Để phản ứng nhanh diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, sáng 30-3, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Đã rà soát được 9.062 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, riêng tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 26 ca nhiễm Covid-19. Để phản ứng ngay việc xử lý ổ dịch, vào cuối tuần qua, thành phố đã có nhiều cuộc họp đột xuất để chỉ đạo, xử lý. Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Đống Đa phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức cách ly vùng dịch tại khu vực bệnh viện. Sở Y tế phối hợp khoanh vùng điều tra xử lý ổ dịch; tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện.
Hiện nay, theo dữ liệu trích xuất từ Bệnh viện Bạch Mai, có 1.591 trường hợp bệnh nhân nội trú từ ngày 15-3, trong đó có 1.288 trường hợp đang ở Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy được 865 mẫu bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm 228 mẫu (đều cho kết quả âm tính).
Đối với những trường hợp liên quan, hiện đã điều tra, rà soát được 9.062 trường hợp, tổ chức cách ly được 6.898 trường hợp chưa qua 14 ngày, thực hiện lấy mẫu với 230 trường hợp, hiện 33 mẫu có kết quả, trong đó có 3 trường hợp dương tính.
“Sở Y tế tiếp tục rà soát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trường hợp sống trên địa bàn Hà Nội đã điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai và ra viện trong khoảng thời gian từ ngày 15-3 đến 25-3, đồng thời cách ly các đối tượng liên quan. Ngoài ra, thời gian này, tất cả cơ sở điều trị sẽ không cho người nhà vào thăm bệnh nhân, chỉ cho 1 người nhà vào chăm sóc và phải được kiểm tra y tế trước khi vào chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, thời gian này, các cơ sở điều trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hẹn khám qua điện thoại, khám bệnh theo giờ, bố trí các ghế chờ cách nhau tối thiểu 2m”, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến 7h ngày 30-3, thế giới ghi nhận 721.330 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 33.956 trường hợp tử vong. Hiện tại, Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất với 141.812 trường hợp...
Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 30-3 đã ghi nhận 194 ca nhiễm Covid-19, trong đó 27 ca đã khỏi bệnh và ra viện. Tại Hà Nội, ghi nhận 71 trường hợp dương tính với Covid-19; trong đó, 46 trường hợp là người nhập cảnh vào Hà Nội, 25 trường hợp lây thứ phát tại cộng đồng. Hiện còn 11.310 người đang được giám sát, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng. Tính đến ngày 29-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tiến hành xét nghiệm 16.013 mẫu, trong đó có 42 mẫu dương tính. Hiện còn 6.348 người được cách ly tại 15 khu cách ly tập trung.
Rà soát các trường hợp lây nhiễm từ ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai
Theo Bộ Tư lệnh Thủ đô, đến thời điểm này, đơn vị đã vận chuyển hơn 13.000 người, trong đó cuối tuần qua đã đưa 631 người nhà của các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đến cách ly tập trung tại Trường Đại học FPT.
Sở Công Thương đã lên phương án dự phòng cấp độ 3, yêu cầu các doanh nghiệp tăng mức dự trữ hàng hóa gấp 3 lần.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tiếp nhận 5.000 test nhanh và sẽ ngay lập tức tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, trước mắt ưu tiên các trường hợp chạy thận trong Bệnh viện Bạch Mai.
Về việc rà soát các đối tượng liên quan đến các ca bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết, đã rà soát được lịch trình di chuyển cũng như các đối tượng liên quan F1, F2 với hai ca bệnh có hộ khẩu tại Khu đô thị Thanh Hà. Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, đã xác định và cách ly 82 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 198 trường hợp F2 liên quan đến bệnh nhân số 158 điều trị tại Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai.
Thông tin thêm về trường hợp nữ phóng viên nhiễm Covid-19, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, đã rà soát lịch trình của trường hợp này, trong đó đã cách ly 8 trường hợp F1 là các bác sĩ của phòng khám đông y tại 182 Ngọc Hà mà bệnh nhân đến khám vào ngày 22-3. Hiện, quận đã cách ly toàn bộ cơ sở đông y này.
Về bệnh nhân số 175, là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, đã đến thăm con tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Xanh Pôn, lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, bệnh nhân này đã tiếp xúc với 16/27 người là cán bộ của Khoa Chấn thương chỉnh hình.
Ngoài việc tập trung, quyết liệt rà soát, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh, các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra thực tế chấp hành quy định tạm thời đóng các cơ sở kinh doanh mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu; tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện phòng, chống dịch đúng chỉ đạo của Chính phủ và thành phố; xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Trong đó, quận Tây Hồ đã xử phạt 11 trường hợp không đeo khẩu trang với mức phạt 200.000 đồng/trường hợp.
Tại cuộc họp, GS.TS Ngô Quý Châu, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai thay mặt bệnh viện đã gửi lời cám ơn sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, đặc biệt là UBND quận Đống Đa đã phối hợp chặt chẽ để xử lý ổ dịch. Hiện, Bệnh viện Bạch Mai đã được phong tỏa toàn bộ và lấy 7.300 mẫu xét nghiệm của các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại viện. Trong số này, 7.000 mẫu đã âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các địa phương thực hiện triệt để, quyết liệt nội dung Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng tuyên truyền người dân hạn chế ra đường; đóng cửa tất cả cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu.
Cần sự quyết liệt, chủ động, mạnh mẽ hơn nữa trong phòng chống dịch
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhắc lại tình hình dịch trên thế giới và tại Việt Nam nói chung đang diễn biến rất phức tạp.
"Đây là giai đoạn quyết định để chúng ta kiểm soát sự lây lan của dịch. Thời điểm này cần sự chủ động, tích cực, quyết liệt vào cuộc hơn nữa của tất cả đơn vị, sở, ngành, địa phương và sự đồng lòng, ý thức của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng. Nếu chúng ta nâng mức chủ động, quyết liệt hơn nữa thì mức kiểm soát sự lây lan của dịch mới đạt tỷ lệ cao", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng nhận định, tình hình dịch sẽ còn kéo dài và nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động phản ứng nhanh thì dịch lây lan trong cộng đồng với mức độ tàn phá rất lớn, để lại hệ lụy, hậu quả khôn lường. Hiện nay, ảnh hưởng của dịch tác động đến đời sống, xã hội đã thấy rõ khi 97% hoạt động của ngành Hàng không phải dừng; toàn bộ dịch vụ của lĩnh vực khách sạn, dịch vụ "đóng băng", học sinh không thể đi học trở lại trước ngày 15-4...
Vì thế, thành phố yêu cầu tất cả các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm làm việc, chuẩn bị các phương án dài hạn, cụ thể và chi tiết hơn với cách làm linh hoạt, không bảo thủ.
Liên quan đến vấn đề Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá, đây là ổ dịch nguy hiểm nhất của không chỉ Hà Nội bởi đã có sự lây nhiễm từ ổ dịch này tới các địa phương khác, chưa kể lượng người ra vào bệnh viện trong 10 ngày qua rất lớn.
Từ những đánh giá, phân tích trên, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ngành, địa phương cần hành động dứt khoát, nhanh chóng việc rà soát, cách ly với tất cả trường hợp đến Bệnh viện Bạch Mai trong 10 ngày qua. Sở Y tế cần phải chuẩn bị các nguồn cung về thiết bị y tế, thuốc cho công tác khám, chữa bệnh của người dân; chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo thêm nhân lực lấy mẫu xét nghiệm vì hiện nay mới có 800 nhân viên lấy mẫu.
Tất cả các trường hợp đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10-3 đến 28-3 cần phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cách ly ngay lập tức, gồm: Bệnh nhân đến khám bệnh nội và ngoại trú, người nhà bệnh nhân đến thăm nom, nhân viên y tế, bác sĩ, sinh viên các trường Đại học Y đến bệnh viện thực tập... Các cơ sở y tế trên địa bàn cần, không cho người vào thăm, chỉ có 1 người nhà vào chăm nom đối với bệnh nhân nặng và phải được kiểm tra, xét nghiệm; lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bảo đảm an toàn thực phẩm cho người bệnh...
Quân khu Thủ đô thực hiện việc vận chuyện những người thuộc đối tượng F1 tới các khu cách ly tập trung của thành phố để dành nguồn lực bệnh viện cho việc điều trị bệnh nhân. Các địa phương phải kiểm tra việc tạm dừng tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu.
Các đơn vị, địa phương sử dụng phần mềm Hà Nội SmartCity để cập nhật thông tin dịch, thông tin kết quả xét nghiệm, tổ chức khai báo y tế, giám sát các đối tượng cách ly. Với các trường hợp cách ly tại nhà, các địa phương báo cho Ban quản lý toà nhà, tổ dân phố để tổ chức giám sát từ xa bằng ứng dụng này.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với các địa phương có chính sách hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sau khi tiếp nhận 5.000 bộ test từ Bộ Y tế cần cập nhật ngay cách sử dụng và cấp phát cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện lấy mẫu trên diện rộng.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Đức Chung khuyến cáo các cơ quan, công sở nếu không có việc cần thiết thì cho nhân viên làm ở nhà theo hình thức trực tuyến.
"Chúng ta đã có 60 ngày đêm phòng, chống dịch Covid-19, bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây đang là giai đoạn cao điểm nhất, nguy hiểm nhất trong công tác phòng, chống dịch, thành phố cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, và chủ động hơn nữa của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân thì mới chiến thắng cuộc chiến này", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.