(HNMO) - Chiều 23-3, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản và lãnh đạo các sở, ngành thành phố và 30 quận, huyện, thị xã.
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho 21.000 trường hợp cách ly
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến 14h ngày 23-3, thế giới ghi nhận 339.710 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 14.704 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, tâm dịch đang tập trung tại một số nước là: Italia, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Iran...
Tại Việt Nam, tính đến 16h ngày 23-3, ghi nhận 121 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện. Số ca mắc tại Việt Nam tăng chủ yếu là các ca xâm nhập từ các nước di chuyển về Việt Nam. Tại Hà Nội, ghi nhận 38 trường hợp dương tính với Covid-19.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định được các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh. Cụ thể, trường hợp thuộc diện F1 là: 650 người, trong đó có 623 trường hợp đã lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính. Các trường hợp F2 còn đang theo dõi sức khỏe là 2.437. Từ 0h ngày 21-3, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều phải kiểm dịch y tế, khai báo sức khỏe và cách ly tập trung. Từ 0h ngày 22-3, tạm dừng nhập cảnh với hành khách tới từ các quốc gia khác.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã bố trí 15 khu cách ly (9 khu của quân đội, 1 khu của Bệnh viện Công an thành phố, 5 khu dân sự) với 14.629 chỗ. Tại cuộc họp, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, đơn vị đã cùng các ngành rà soát thêm một số cơ sở để sẵn sàng đón khoảng 21.000 công dân vào khu cách ly tập trung.
Sở Y tế cho biết, thời điểm này đã xuất hiện ca bệnh là nhân viên y tế, vì thế những ngày qua, Sở đã tổ chức tập huấn trực tuyến phổ biến cách phòng, chống lây nhiễm chéo và tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế; yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện bảo hộ đối với nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các địa phương cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, nước uống cho người dân ở khu cách ly. Sở Công Thương bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho nhân dân, chuẩn bị nguồn dự phòng sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống, không để xảy ra thiếu nguồn cung.
Rà soát các trường hợp trở về từ vùng có dịch
Tại cuộc họp, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức rà soát người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 7-3 đến nay, tính đến trưa nay 23-3, đã rà soát được 3869 trường hợp; triển khai chốt bảo vệ tại các khu cách ly tập trung, tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài.
Các quận, huyện, thị xã tham gia chống dịch Covid-19 với tinh thần "bốn tại chỗ", chuẩn bị các nguồn lực để chủ động ứng phó với dịch trong mọi tình huống.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, đến ngày 23-3, huyện đã cách ly toàn bộ các đối tượng F1, F2, F3 theo quy định; tiến hành tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn ở các khu dân cư. Huyện đã thành lập 8 đoàn cơ động, phối hợp với lực lượng an ninh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đón người dân đi từ nước ngoài về để đưa về khu cách ly; đồng thời tiến hành rà soát, xác minh được 117 người nhập cảnh về Việt Nam từ ngày 7-3 đến nay để phân loại, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm...
Phát động phong trào toàn dân tham gia chống dịch Covid-19, huyện Đông Anh đang xây dựng mô hình cụm dân cư an toàn tại tất cả các thôn, làng, tổ dân phố. Thông qua mô hình này, huyện đã huy động được hơn 16.000 cộng tác viên an toàn là những người hiểu biết, có uy tín, có chuyên môn, đảm nhận công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại quận Đống Đa, đến ngày 23-3 còn hơn 400 trường hợp giám sát, cách ly. Các lực lượng chức năng quận đã phát hiện được 239 trường hợp đến từ các nước có dịch Covid-19, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm của 203 trường hợp đưa đi xét nghiệm, bước đầu 86 trường hợp cho kết quả âm tính lần 1.
Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho khu vực Bệnh viện Bạch Mai, quận Đống Đa đã phối hợp với bệnh viện bố trí lực lượng trực 24/24h tại nhiều địa điểm; duy trì hoạt động của các đội phản ứng nhanh...
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", quận Thanh Xuân rà soát được 157 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 7-3 đến nay để lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức cách ly theo quy định. Dự kiến ngày 24-3, quận Thanh Xuân sẽ hoàn thành việc xét nghiệm với tất cả các đối tượng có nguy cơ cao. Công tác chuẩn bị cho hoạt động diễn tập phòng, chống dịch Covid-19, dự kiến diễn ra ngày 28-3 đã cơ bản hoàn tất...
Ngoài ra, các quận, huyện: Hoàng Mai, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Sóc Sơn, Gia Lâm... cũng cho biết, đã thực hiện nghiêm túc việc khoanh vùng, giám sát các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, thực hiện giám sát, cách ly đúng quy trình.
Nhiệm vụ quan trọng là phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, chữa bệnh sớm
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá và biểu dương các đơn vị, địa phương thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo trong phòng, chống dịch; xác định rõ danh tính những người liên quan đến các ca bệnh, tổ chức cách ly đúng quy định. Việc cách ly tập trung với những người từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam cũng được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố đã ủy quyền cho quận Hoàn Kiếm thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung cho người nước ngoài tại khách sạn Hòa Bình và đã tổ chức cách ly cho 24 trường hợp, trong đó có 2 du học sinh Việt Nam ( sau đó được xác định dương tính), là hành khách cùng khoang máy bay với các trường hợp là người nước ngoài để bảo đảm sự cách ly tập trung.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhận định, mặc dù thành phố tiếp tục phát hiện những ca mắc mới nhưng đến nay, cơ bản thành phố vẫn đang kiểm soát tốt dịch. Trên địa bàn thành phố hiện có 39 ca, tuy nhiên chỉ có 9 ca lây nhiễm chéo. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn có nhiều nguy cơ lây nhiễm , đặc biệt là từ những trường hợp đã nhập cảnh trước khi có lệnh cách ly tập trung đối với những từ vùng dịch vào Việt Nam từ ngày 15-3 và với tất cả người từ nước ngoài về, đến Việt Nam từ 21-3. Vì thế, thành phố yêu cầu, các quận, huyện phải tập trung rà soát tất cả đối tượng từ nước ngoài về trong vòng 14 ngày trở lại đây, nhận diện rõ các nguồn có nguy cơ lây nhiễm để sớm tiến hành cách ly, xét nghiệm.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, sở, ngành cần xác định rõ "chiến trường" chính trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 lúc này là tại các bệnh viện. "Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là phải xác định sớm các ca bệnh, từ đó khoanh vùng ngay các trường hợp F1, F2 để phòng ngừa. Sau đó, thực hiện xét nghiệm, tổ chức cách ly và điều trị sớm thì mới có thể ngăn chặn sự lây lan để có thể chiến thắng trong "cuộc chiến" này ", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Từ những đánh giá, phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương những công việc cần phải làm. Đó là, các địa phương phải tiếp tục tuyên truyền nội dung chỉ đạo mới nhất của trung ương, hướng dẫn của Bộ Y tế và của thành phố để người dân nhận thức rõ hơn tình hình dịch đang bước vào giai đoạn mới, tiềm tàng nhiều nguy cơ lây nhiễm. Công tác phòng, chống dịch phải được thông tin công khai, minh bạch để người dân yên tâm rằng thành phố đang kiểm soát tốt dịch, không hoang mang, lo lắng.
Các lực lượng, đơn vị phải cố gắng không để lây nhiễm tại bệnh viện hay khu cách ly tập trung. Để bảo đảm điều đó, các đơn vị phải lập 3 vòng ứng trực và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế không về nhà trong thời gian làm nhiệm vụ để tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Trước khi trở về với gia đình, tất cả đều phải được lấy mẫu xét nghiệm. Các cơ sở y tế phải bảo đảm mọi nguồn lực để sẵn sàng ứng phó trong mọi diễn biến của dịch.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung tiếp tục khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi hạn chế ra ngoài từ nay đến ngày 5-4, tránh tập trung đông người, đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện vệ sinh tay thường xuyên. Các cơ quan, công ty nên tổ chức làm việc bằng hình thức trực tuyến, giảm các cuộc họp, giữ khoảng cách ngồi tại hội trường; trụ sở làm việc phải tổ chức đo thân nhiệt, trang bị xà phòng, dung dịch rửa tay khô...
Với các gia đình có người thực hiện cách ly tại nhà phải bảo đảm có phòng riêng. Người thực hiện cách ly không được tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Trường hợp có dấu hiệu ho khan, sốt, đau cơ phải báo ngay với cơ sở y tế.
Các trung tâm thương mại, cửa hàng cần tổ chức phòng ngừa, phun khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên, bảo đảm giữ khoảng cách hợp lý cho người mua hàng. Nhân viên bán hàng phải đeo khẩu trang. Tất cả các hoạt động giải trí, quán bar, karaoke, rạp chiếu phim, bể bơi... đều phải tạm dừng hoạt động.
"Thời gian tới, thành phố sẽ kích hoạt hệ thống giám sát, duy trì mức cảnh báo cao để thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, phản ứng nhanh hơn với các tình huống, huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân quyết liệt, tập trung phòng, chống dịch", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.