(HNMO) – Chiều 26/5, tập thể UBND TP Hà Nội tiếp tục họp, đóng góp ý kiến vào dự thảo “Quy hoạch phát triển công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương (cơ quan lập dự án quy hoạch): dự thảo Quy hoạch định hướng Hà Nội trở thành TP có nền công nghiệp hiện đại trước năm 2020, phát triển công nghiệp dựa trên nền tri thức, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao. Đến năm 2030 phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới và văn phòng của các tập đoàn sản xuất lớn; Tạo nên các sản phẩm chất lượng và giá trị có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước…
Theo đó, công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2030 sẽ trở thành ngành kinh tế phát triển, tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu GDP của TP, từ 30,71% năm 2010 tăng lên 31,26% năm 2015, 31,50% năm 2020 và 31,88% năm 2030; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại có chất lượng và hàm lượng công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp thời kỳ 2011 – 2015 dự kiến là 124.904 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 113.853 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung để phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp hóa chất, dệt may, da giày…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phí Thái Bình cho rằng bức tranh dự thảo quy hoạch công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chưa được rõ nét. Do đó, nếu có đổ vốn vào đầu tư phát triển cũng không thể đưa công nghiệp Hà Nội cất cánh được.
Mặt khác, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng cơ quan soạn thảo quy hoạch cần xem lại ý kiến đại biểu còn băn khoăn về phương pháp nghiên cứu, một số quan điểm nêu ra trong dự thảo quy hoạch. Chủ tịch khẳng định, đến năm 2020, công nghiệp Hà Nội phải đi trước cả nước 1- 2 năm về phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dựa trên các lợi thế so sánh (về tri thức, chất xám), Hà Nội phải tập trung vào phát triển công nghệ cao, bên cạnh đó có tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề để tạo công ăn việc làm cho lao động phổ thông, có thêm sản phẩm phục vụ tiêu dùng. Các sản phẩm công nghiệp, Hà Nội tập trung phát triển có thể xác định là: cơ khí chế tạo, tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, vật liệu mới, sinh học. Công nghiệp Hà Nội cũng phải tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, Chủ tịch chỉ đạo, Sở Công Thương (cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch), Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp trong buổi họp hôm nay để hoàn thiện dự thảo quy hoạch, trình các sở, ngành TP thẩm định trước khi báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.