(HNMO) – Chiều 6/12, Nghị quyết về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố đã được thông qua.
Theo nghị quyết, HĐND Thành phố đã nhất trí sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 7 quy định thu phí, lệ phí.
HĐND thành phố quyết nghị bãi bỏ 3 khoản phí sau: phí dự thi, dự tuyển; phí thẩm định kết quả đấu thầu; lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nhiệp do các căn cứ xây dựng mức thu liên quan đến các khoản phí, lệ phí này tại các nghị quyết của HĐND thành phố đã hết hiệu lực.
Việc thực hiện thu phí dự thi dự tuyển của các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc thành phố quản lý thực hiện theo quy định tại Thông tư liên Bộ Tài chính – Giáo dục và Đào tạo số 21/2010/TTLT-BTC-BGD&ĐT quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Việc quản lý, sử dụng khoản chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc thực hiện mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo Thông tư số 176/2012/TT-BTC ngày 23/10/2012 của Bộ Tài chính .
Đồng thời, HĐND thành phố nhất trí ban hành mức thu mới thay cho mức thu cũ với một số khoản phí, lệ phí do có sự thay đổi về chính sách tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp trên.
Cụ thể, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được thực hiện như sau: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 3.000 đồng/tấn; Các loại đá khác (đá làm xi măng, puzolan, khoáng chất công nghiệp…): 3.000 đồng/tấn; Các loại cát khác (Cát san lấp, cát XD): 4.000 đồng/m3; Đất khai thác để san lấp, XD công trình: 2.000 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói: 2.000 đồng/m3; đất làm cao lanh: 7.000 đồng/m3; nước khoáng thiên nhiên: 3.000 đồng/m3; than bùn: 6.000 đồng/tấn.
So với các mức thu cũ, một số mức thu mới đã được tăng lên gấp 3 lần.
Với phí đấu giá, phí tham gia đấu giá tài sản, nếu giá trị tài sản bán được của một cuộc bán đấu giá dưới 50 triệu đồng, mức thu là 5%; từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, mức thu là 2,5 triệu + 1,5% giá trị tài sản bán được quá 50 triệu đồng; từ trên 1 tỷ đến 10 tỷ đồng: mức thu là 16,75 triệu + 0,2% giá trị tài sản bán được vượt 1 tỷ đồng; từ trên 10 tỷ đến 20 tỷ đồng, mức thu là 34,75 triệu + 0,15% giá trị tài sản bán được vượt 10 tỷ đồng; từ trên 20 tỷ đồng, mức thu là 49,75 triệu + 0,1% giá trị tài sản bán được vượt 20 tỷ đồng nhưng tổng số phí không quá 300 triệu đồng/cuộc đấu giá.
Với phí tham gia đấu giá tài sản, mức thu được quy định tương ứng với giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Cụ thể, từ 20 triệu đồng trở xuống, mức thu là 50.000 đồng; từ trên 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, mức thu là 100.000 đồng; từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, mức thu là 150.000 đồng; từ trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, mức thu là 200.000 đồng; trên 500 triệu đồng, mức thu là 500.000 đồng.
HĐND Thành phố cũng quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số khoản phí cho phù hợp với tình hình thực tiễn và quản lý nhà nước. Cụ thể như sau:
Bổ sung mức phí tham quan Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long với mức người lớn: 30.000 đồng/lượt; học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên và người cao tuổi: 15.000 đồng/lượt.
Đáng chú ý, phí sử dụng hè, lề đường, bến bãi để trông giữ xe ô tô được điều chỉnh tăng theo khu vực.
Với địa bàn quận Hoàn Kiếm, ở các tuyến phố cụ thể: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; hè đường các tuyến phố: Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ: mức thu là 80.000đ/m2/tháng, tăng gần gấp đôi mức hiện tại.
Các tuyến phố còn lại của Quận Hoàn Kiếm (Trừ các tuyến khu vực ngoài đê sông Hồng), mức mới là 60.000 đồng/m2/tháng (mức hiện nay là 25.000 đồng/m2/tháng).
Với các tuyến phố trên đường vành đai 1 và phía trong đường vành đai 1 (trừ quận Hoàn Kiếm) đi qua địa bàn các quận: Ba Đình; Đống Đa; Hai Bà Trưng: mức thu mới là 60.000 đồng/m2/tháng.
Với các tuyến phố, đường trên đường vành đai 2 đến vành đai 1 (bên hữu sông Hồng) đi qua địa bàn các quận: Hai Bà Trưng; Đống Đa; Ba Đình; Tây Hồ, Cầu Giấy: mức thu mới là 45.000 đồng/m2/tháng.
Với các tuyến đường, phố trên đường vành đai 3 đến vành đai 2 (bên bờ hữu sông Hồng) đi qua địa bàn các quận: Hai Bà Trưng; Hoàng Mai; Thanh Xuân; Cầu giấy; Tây Hồ; Từ Liêm: mức thu là 40.000 đồng/m2/tháng.
Với các tuyến phố còn lại của huyện Từ Liêm và còn lại của các Quận: mức thu là 30.000đ/m2/tháng.
Với các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây: không điều chỉnh tăng
Việc sử dụng tạm thời bến bãi (đất công) để trông giữ phương tiện giao thông được tính bằng mức thu quy định tương ứng với các vùng trên nhân với hệ số K=0,6.
Riêng đối với Công ty Khai thác điểm đỗ xe, tại các quận, huyện, thị xã (trừ các tuyến phố thuộc địa bàn Quận Hoàn Kiếm) mà Công ty được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời hè, lề đường, bến bãi để tạm dừng, đỗ, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô thì Công ty phải nộp mức thu phí bằng 3% trên doanh thu phục vụ tạm dừng, đỗ xe và trông giữ xe (Mức tối đa quy định tại Thông tư 97). Mức cũ đang thực hiện là 2%. Tuy nhiên, mức này chỉ được thực hiện trong thời gian 6 tháng, sau đó sẽ có phương án chuyển sang thu theo m2/tháng.
Quyết định đối với từng khoản phí, lệ phí mới và các loại phí, lệ phí sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.