Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa

Tuấn Việt| 05/11/2021 12:38

(HNMO) - Sáng 5-11, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội sau đợt giám sát thực tế các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Quang cảnh hội nghị.

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.

Phát triển văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, qua 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND, văn hóa Hà Nội đang phát triển theo đúng định hướng, bảo đảm bền vững, có hiệu quả. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương trực thuộc thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư và đổi mới phương thức hoạt động. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc, với nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Nhiều công trình văn hóa được tu bổ, xây dựng…

Dù vậy, Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm, chưa đồng bộ, chưa thực sự quyết liệt, còn nhiều lúng túng. Nhiều văn bản sau thời gian dài thực hiện nghị quyết mới được ban hành. Nhiều chỉ tiêu, đề án, dự án thiếu tính khả thi, không hoàn thành hoặc chậm tiến độ thực hiện so với kế hoạch đề ra (6/20 chỉ tiêu không hoàn thành, 5/23 đề án, 10/14 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch).

Đầu tư nguồn lực phát triển văn hoá dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tỷ lệ đầu tư cho văn hóa (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) rất thấp, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành. Tỷ lệ ngân sách thành phố đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn đạt 0,83% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố; nguồn lực chi thường xuyên bố trí cho lĩnh vực văn hóa chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố. Định mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa của cấp thành phố và cấp huyện còn hạn chế.

Đặc biệt, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển văn hóa, còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Quy trình thủ tục đầu tư cho các dự án xã hội hóa phức tạp, kéo dài, trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp nên chưa thu hút được các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động văn hóa. Số lượng di tích xuống cấp nhiều nhưng thiếu nguồn lực kinh phí bảo quản, tu bổ (mới có 1.340/1.845 di tích được tu bổ).

Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhận định, mặc dù đạt được những kết quả, song thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và thời gian tới, UBND thành phố sẽ hoàn thiện việc đánh giá, khắc phục hạn chế trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các công trình di tích văn hóa; quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa để tiến tới thực hiện công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố.

Đầu tư sáng tạo những công trình, tác phẩm, sản phẩm văn hóa độc đáo

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, trên cơ sở các quy định của pháp luật, đề xuất giải pháp thực hiện nội dung quy hoạch văn hóa cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng cho những năm tiếp theo.

Cùng với rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa cho phù hợp, UBND thành phố cần quan tâm dành quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao sang mục đích khác; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Tăng cường nguồn lực đầu tư, cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp, đồng thời, thu hút, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp. 

Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở trọng điểm văn hóa với những công trình văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị lớn, tạo thành những không gian văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch Thủ đô; đầu tư sáng tạo những công trình, tác phẩm, sản phẩm văn hóa độc đáo, có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ cao, phản ánh được bản sắc và phù hợp với thế mạnh của văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND thành phố rà soát, bổ sung danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện các thiết chế văn hóa các cấp, đầu tư xây dựng mới Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội và các dự án chuyển tiếp khác; chỉ đạo sở Quy hoạch - Kiến trúc trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 về bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.