(HNMO) – Sáng 23/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì hội nghị “Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy về “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững”.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Để thực hiện chương trình 03, UBND TP đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2011- 2015, trong đó nhấn mạnh và cụ thể hóa 3 nhiệm vụ, 6 giải pháp. Đến nay, một số chương trình nhánh, đề án đã được ban hành và đang triển khai thực hiện như: “Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của TP giai đoạn 2011 – 2015”, “Chương trình phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2011- 2015”…
Qua nửa đầu triển khai chương trình, Hà Nội đã từng bước phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh đối với mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, tăng trưởng GRDP bình quân trong 2 năm 2011- 2012 đạt 9,25%, 6 tháng đầu năm 2013 tăng 7,67%, tuy chưa đạt so với kế hoạch (bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 12-13%/năm) nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong đó, ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất, bình quân đạt 9,97% năm; tiếp đến là ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 9,25%/năm; ngành nông nghiệp tăng vượt kế hoạch, bình quân tăng 2,68%/năm. Kinh tế Thủ đô luôn giữ mức tăng gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước.
Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội được TP đặc biệt quan tâm, tạo sự ổn định trong xã hội. Trung bình hàng năm, TP hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo, thường xuyên nâng chuẩn nghèo và mức hỗ trợ. Năm 2013, ước thực hiện hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,35%. Mặt khác, tính đến hết tháng 6/2013, 99,5% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, với khu vực ngoại thành là 86%. Việc thu gom rác thải ở nội thành đạt 100%, ở ngoài thành đạt 82%.
Tuy đạt được những kết quả trên, nhưng Ban chỉ đạo chương trình cũng nhìn nhận còn một số hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục. Đó là kinh tế Thủ đô tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Vai trò của các ngành công nghiệp chủ lực chưa rõ nét; chất lượng, thiết bị, công nghệ phổ biến ở mức trung bình, tính cạnh tranh thấp. Nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm. Đầu tư lĩnh vực đô thị, nhà ở phát triển nóng dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, thị trường bất động sản đóng băng.
Hạ tầng đô thị, giao thông, y tế… chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Lao động, việc làm, đời sống nhân dân vùng xa trung tâm TP còn khó khăn, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn chưa thu hẹp được nhiều… Môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện nhưng còn thiếu sức hấp dẫn, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức có hạn chế, năng lực một bộ phận cán bộ trong cơ quan công quyền chưa đáp ứng được yêu cầu. TP chưa hoàn thành theo kế hoạch một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình về kinh tế - xã hội; việc di dời các cơ sở sản xuât công nghiệp không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường, đề án cải tạo môi trường các hồ.
Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành đều cơ bản thống nhất với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá chương trình là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ TP; triển khai 9 chương trình: xây dựng Đảng, chính quyền đô thị; phát triển kinh tế; văn hóa, xã hội; an ninh quốc phòng; nông nghiệp, nông thôn; đầu tư hạ tầng; đấu tranh phòng chống tham nhũng… Mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô không chỉ nhanh mà còn bền vững, phát huy được lợi thế cạnh tranh, so sánh, phát triển tri thức, tạo hiệu quả, năng suất cao; nâng cao chất lượng hiệu quả của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong bối cảnh CNH – HĐH.
Lần này, Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bình ổn giá cả, chống lạm phát, cân bằng cán cân thương mại. Trong 3 năm qua, TP đã tập trung đánh giá, phát huy hiệu quả các nguồn lực, lợi thế so sánh; tăng trưởng 3 năm qua bình quân đạt được 9%. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được Chính phủ giao tăng trưởng phải gấp 1,5 lần cả nước. Tăng trưởng phải đi kèm kiềm chế lạm phát, quản lý đầu tư công, dự nợ tín dụng hàng năm giảm. Cơ cấu kinh tế của TP đã chuyển theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp… Ngân hàng đã ứng dụng thành ngân hàng điện tử; Viễn thông, du lịch phát triển nhanh. Công nghệ cao, công nghệ sạch được đầu tư phát triển (ở khu công nghiệp Sài Đồng, khu công nghiệp phụ trợ, hình thành các tổ hợp khu công nghiệp phần mềm…). Nhiều sản phẩm nông nghiệp như rau, hoa quả… phát triển đáp ứng nhu cầu cho nhân dân…
Các kết quả ban đầu trên tạo tiền đề để hoàn thành kế hoạch trong 5 năm dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới chậm phục hồi, kinh tế trong nước chưa ổn định. Nguồn lực cho phát triển Thủ đô là vốn và đất đai ngày càng hạn hẹp, khan hiếm. TP hiện chỉ đảm bảo cân đối vốn cho 50% dự án với 165.000 tỷ đồng. Yếu tố con người, đội ngũ khoa học kỹ thuật chưa phát huy được hiệu quả do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích nhân tài. Cải cách thủ tục hành chính chưa nghiêm, môi trường cạnh tranh thấp.
Trong thời gian tới, Chủ tịch đề nghị cần kiên định các mục tiêu đã đề ra, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích vào các ngành có lợi thế cạnh tranh. Huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tăng cường cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn mới; đầu tư chất lượng nguồn nhân lực để đột phá xây dựng Thủ đô. Bên cạnh đó, phải đổi mới công tác lãnh đạo điều hành, đối ngoại trong bối cảnh hội nhập.
Trong những năm tới, TP cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ tịch nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, lãi suất, thị trường) chỉ trong ngắn hạn “qua cơn hoạn nạn”, sau đó các doanh nghiệp phải tự vượt lên. TP chấp nhận mở rộng đầu tư công, đi trước một bước để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.